[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Bộ Pháp Chánh (Tòa Ðạo)
admin Wednesday, 03-08-2022, 9:54 AM | Message # 1
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
部法正

A: Deparment of Justice.

P: Département de Justice.

Bộ là một ngành. Pháp: Pháp luật. Chánh: Sửa lại cho đúng, cho ngay thẳng. Tòa: Tòa án để xử người phạm luật.

Bộ Pháp Chánh là một cơ quan do HTÐ lập ra để thi hành quyền Tư Pháp của HTÐ, tức là cơ quan trông coi pháp luật về việc hành chánh đạo trong các cơ quan của Ðạo.

Tòa Ðạo là tòa án của Ðạo lập ra để xử đoán các Chức sắc và tín đồ vi phạm pháp luật của Ðạo.

Tòa Ðạo được lập ra theo Ðạo luật Mậu Dần (1938):

"Nghĩ vì Tòa Ðạo là một cơ quan bảo thủ Luật pháp Chơn truyền y theo khuôn viên Ðạo pháp, bảo đảm sanhchúng, trị loạn phò nguy, gìn cân công lý cho toàn cả chúng sanh đặng sống một cách ung dung thơ thới dưới mặt luật công bình của Ðạo.

Tòa Ðạo lập ra cốt yếu để binh vực những người bị uất ức, trừng phạt những người phạm luật pháp, giữ gìn quyền hành phân minh, đẳng cấp trật tự cho nền Chánh Trị Ðạo.

Trách nhiệm trọng hệ hơn hết của Tòa Ðạo là vô tư vô vị.
"

Ngày 15-10-Ðinh Hợi (dl 27-11-1947), Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa đang đảm nhận nhiệm vụ Chưởng quản Tòa Ðạo, lập ra cách Tổ Chức và Nội Luật của Bộ Pháp Chánh, thì danh từ Bộ Pháp Chánh mới được xử dụng, và ngày 15-10-Ðinh Hợi được xem là ngày thành lập Bộ Pháp Chánh.

Bộ Pháp Chánh là cơ quan Trung ương Tòa Thánh coi về quyền Tư Pháp của Ðạo, dưới quyền Chưởng quản của một vị Thời Quân chi Pháp HTÐ.

Bộ Pháp Chánh tổ chức các Tòa Ðạo từ Trung ương đến địa phương. Bộ Pháp Chánh bổ nhiệm các Chức sắc HTÐ dưới Thập nhị Thời Quân đi hành đạo về Pháp Chánh nơi các địa phương, từ Tộc Ðạo đến Châu Ðạo và Trấn Ðạo.

· Pháp Chánh tại Tộc Ðạo là một vị Luật Sự (đối phẩm Ch.T.Sự).

· Pháp Chánh tại Châu Ðạo là một vị Sĩ Tải (đối phẩm Lễ Sanh).

· Pháp Chánh tại Trấn Ðạo là vị Truyền Trạng (đối ph. Giáo Hữu).

"Ngoài phận sự bảo vệ luật pháp như Chức sắc HTÐ, hay rõ hơn, chư vị cầm quyền PhápChánh còn có phận sự chăm nom cả hành vi toàn thể Ðạo trong phạm vi hành sự của mình, thị chứng các cuộc nhóm họp của cơ quan Hành Chánh và PT"

"Trong trường hợp điều tra, khi một Chức sắc phạm tội, Bộ Pháp Chánh có quyền tạm bãi miễn, tức là tạm thâu quyền và chức của vị ấy, để đưa bị cáo nhân ra Tòa Pháp Chánh điều tra hay thẩm phán, sau khi ấy, nếu trắng án, vô tội sẽ được phục quyền chức như cũ." (Trích trong quyển Chánh Trị Ðạo của Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa)
 
admin Wednesday, 03-08-2022, 10:07 AM | Message # 2
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
Ðôi liễn đắp nơi cổng của Bộ Pháp Chánh:

法律無私道敎慈威從理
正宗不易眞傳善惡隨刑


Pháp luật vô tư đạo giáo từ oai tùng lý,
Chánh tông bất dịch chơn truyền thiện ác tùy hình.


Nghĩa là:

Pháp luật của Ðạo thì vô tư, nhơn từ, oai nghiêm, tùng lẽ phải,
Chơn truyền của nền Ðạo chơn chánh thì không đổi, việc lành dữ tùy mức độ mà có hình phạt.


Bộ Pháp Chánh còn có nhiệm vụ minh tra công nghiệp của các Chức sắc CTÐ và PT. Nếu Pháp Chánh chứng nhận Chức sắc CTÐ hay PT có đầy đủ công nghiệp thì mới được đem tên vào sổ cầu phong hay cầu thăng phẩm cấp.

Do đó, Bộ Pháp Chánh có quyền hành rất rộng lớn, chi phối tất cả các Chức sắc CTÐ và CQPT.
 
admin Wednesday, 03-08-2022, 10:08 AM | Message # 3
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
Tóm tắt các quyền hành rộng lớn của Bộ Pháp Chánh:

1. Bảo thủ Luật pháp Chơn truyền của Ðạo:

· Luật thì có Tân Luật, Ðạo luật, Luật Hội Thánh.

· Pháp thì có Pháp Chánh Truyền và Ðạo Nghị Ðịnh.

2. Lập các Tòa Ðạo để xử trị những người vi phạm Luật pháp Ðạo, từ hàng Ðạo hữu đến các Chức sắc của CTÐ và PT. (Riêng Chức sắc HTÐ vi phạm Luật Pháp thì có Ban Kỷ Luật HTÐ sửa trị).

3. Minh tra công nghiệp của Chức sắc CTÐ và PT. Việc thăng phẩm Chức sắc hoàn toàn tùy thuộc vào sự minh tra nầy.

Ðạo Lịnh số 16 ngày 13-Giêng năm Kỷ Hợi (dl 20-2-1959) qui định Bộ Pháp Chánh có ba Văn phòng như sau:
 
admin Wednesday, 03-08-2022, 10:09 AM | Message # 4
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
I. Phòng Luận Án: Vả lại phận sự xử đoán người phạm luật của Ðạo vốn do Hội Thánh CTÐ đảm nhận, nhưng trước khi xử đoán, hồ sơ phải gởi đến Pháp Chánh để Bộ nầy định phải giao nội vụ đến: hoặc Hội Công Ðồng, hoặc Ban Kỷ Luật phân xử. Và sau khi phân xử rồi, Hội Công Ðồng hay Ban Kỷ Luật cũng phải gởi hồ sơ đến Pháp Chánh xem lại coi có đúng theo tinh thần luật pháp chăng. Ấy là Pháp Chánh HTÐ giúp cho Hội Thánh CTÐ áp dụng Luật Pháp để giữ trật tự của Hội Thánh.

II. Phòng Kiểm soát công quả: Mỗi năm có một lần phong thưởng những vị dày công phụng sự chúng sanh mà chẳng vi phạm Pháp luật của Ðạo và quốc pháp của Ðời. Pháp Chánh HTÐ có phận sự kiểm soát hồ sơ công quả của Chức sắc, Chức việc hầu cho sự phong thưởng được công minh. (Ðây là Phòng Minh Tra công nghiệp như đã nêu ở trên.)

Hai phận sự giúp cho CTÐ thưởng người có công và răn kẻ có tội đã kể ở trên, đại ý là khuyến khích người đạo đức mau thành công trên đường Ðạo và cảnh tỉnh kẻ sai lầm sớm giác ngộ ăn năn.

III. Phòng Kiểm duyệt Kinh Luật: Ngoài PCT và TL, Hội Thánh cũng tùy trình độ tấn hóa của nhơn sanh mà ban hành những thể lệ bổ túc, hầu nâng đỡ tinh thần đạo đức của bổn đạo. Dĩ nhiên, những thể lệ ấy tạm hữu dụng trong một thời hạn, rồi có ngày nó sẽ trở nên lỗi thời.

Pháp Chánh HTÐ có phận sự kiểm duyệt thể lệ ấy và đề nghị với Hội Thánh lập thể lệ khác thích ứng hơn.

Còn những kinh sách nào có tính cách tổn thương tinh thần đạo đức, Pháp Chánh HTÐ cũng được phép đề nghị hủy bỏ.

Ðức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy Pháp Chánh:

"Pháp luật vốn vô tư, đứng trong chánh giới chơn truyền, nó là Bác ái, Công bình. Thi hành luật pháp đại khái là làm cho cả chúng sanh biết tương thân tương ái trên đường sanh sống và tấn hóa. Vậy phận sự của Pháp Chánh HTÐ là gieo rắc sự thương yêu trong toàn sanh chúng: không tư chẳng vị và giúp chúng sanh một cách cận kề, kẻ hung người bạo, kẻ tham người tà, rồi tìm phương nâng đỡ tinh thần họ trở về với chơn lý. Ðó là áp dụng Luật Bác ái.

Còn như kẻ dữ nào còn muốn dở lối tà mị, không thể sửa cải được, chừng ấy mới đem pháp luật thi hành một cách công minh, chẳng vì thương mà trọng, không vì ghét mà khinh, chẳng vì trung trực mà binh, không vì tà vạy mà bỏ. Như thế thì cân tội phước mới chói rạng. Ấy là phương bảo tồn trật tự trước Luật Công bình.

Vậy, thực hành cái thuyết Bác ái - Công bình là phận sự của Pháp Chánh HTÐ. Thành thử có khi dùng Ðức để cảm hóa, có khi dùng Pháp luật để khuyên răn, cầu cho kẻ sai lầm giác ngộ chơn lý.

Nhưng chúng ta cũng chẳng khá quên rằng, ngoài Pháp luật của Ðạo, kẻ tu hành còn phải chịu dưới hệ thống thưởng phạt của Luật Nhơn Quả: Lành thì thăng, dữ thì đọa. Sự báo ứng chẳng hề sai chạy mảy may. Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu. Ðó là một điều mà người hành đạo nên lưu tâm cho lắm." (Hạnh Ðường 1973)

Quyền Tư Pháp của HTÐ giao Bộ Pháp Chánh, chia 2 phần:

1. Bộ Pháp Chánh Trung Ương.

2. Các Ty Pháp Chánh ở mỗi địa phương Châu Ðạo.

Cách làm việc theo qui tắc Trung ương tập quyền, nghĩa là các Ty Pháp Chánh địa phương ở mỗi Châu Ðạo giao cho một vị Luật Sự cầm quyền nắm giữ Luật pháp, trực tiếp các công văn, chịu mạng lịnh ngay nơi Bộ Pháp Chánh Trung Ương.
 
admin Wednesday, 03-08-2022, 10:10 AM | Message # 5
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
Tổ chức và Nội Luật của Bộ Pháp Chánh
Dưới đây là cách Tổ chức và Nội Luật của Bộ Pháp Chánh lập thành ngày 15-10-Ðinh Hợi (dl 27-11-1947) [khi danh từ Tòa Ðạo chưa đổi lại là Pháp Chánh] do vị Khai Pháp Chưởng quản Tòa Ðạo HTÐ. (Trích quyển Chánh Trị Ðạo của Ngài Khai Pháp, trang 72)

TÒA ÐẠO (tức là PHÁP CHÁNH)

Y theo Luật Hội Thánh ngày 16-Giêng-Mậu Dần (dl 12-2-1938)

Chiếu y PCT phân định đẳng cấp và quyền hành của Chức sắc HTÐ từ Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh tới Thập nhị Thời Quân;

Chiếu y Thánh giáo của Ðức Chưởng Ðạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn ngày 16 tháng 2 năm Ất Hợi (20-3-1935) phân định đẳng cấp và quyền hành từ phẩm Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn trở xuống đến Luật Sự;

Chiếu y Ðạo Luật Hội Thánh năm Mậu Dần (15-2-1938) về cơ quan Tòa Ðạo, phân định hình phạt và án tiết cho những người phạm luật pháp của Ðạo;

Nghĩ vì Tòa Ðạo là một cơ quan để bảo thủ chơn truyền y theo khuôn viên Ðạo pháp, không ai qua luật đạo mà HTÐ chẳng biết;

Lập Tòa Ðạo để trị kẻ phàm, tức là dụng hình phạt phàm trần đặng giảm bớt hình phạt thiêng liêng. Vậy Tòa Ðạo là một cơ quan trọng yếu nắm Cân Công bình, giữ gìn trật tự trong hàng đồng đạo;

Nghĩ vì hiện thời cần dẫn giải rõ thêm quyền hành và phận sự của Chức sắc Tòa Ðạo tại Tòa Thánh và các địa phương, nên:
 
admin Wednesday, 03-08-2022, 10:13 AM | Message # 6
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
TỔ CHỨC và lập NỘI LUẬT TÒA ÐẠO
như sau đây:
Chương thứ nhứt


Ðiều thứ nhứt: TÒA HÒA GIẢI

1. Tòa nầy lập có tính cách hòa giải đôi đàng, tiên cáo và bị cáo, cho thỏa thuận, đừng tranh tụng với nhau nữa, về những vụ lặt vặt ngoài pháp luật của Ðạo, như các vụ phạm về tội nhẹ: Chửi bới, hành hung, đánh đập không có thương tích, hay có thương tích nhẹ. Tòa nầy được quyền ra lịnh điều tra, phân xử và kết án nhẹ, theo bản đính theo đây. Những vụ nầy phạm về luật đời nên Tòa nầy chỉ có tánh cách hòa giải, còn quyền xử đoán quyết định thì thuộc về Tòa Ðời, nếu phạm đến an ninh trật tự công cộng.

2. Về những tội khác phạm pháp hay phạm luật của Ðạo mà tội nhơn bị khép về Thập Hình của Ðức Lý Giáo Tông thì Tòa Hòa Giải nầy vô thẩm quyền.

Trong trường hợp nầy, nội vụ sau khi điều tra xong, phải đệ về Hội Thánh phân định.

Ðiều thứ nhì: PHIÊN NHÓM TÒA HÒA GIẢI
 
admin Wednesday, 03-08-2022, 10:14 AM | Message # 7
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
Trong phiên nhóm của Tòa Hòa Giải, có những nhơn viên sau đây:

Chủ Tọa:
Một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài lãnh quyền Tòa Ðạo tại Trấn Ðạo.

Nghị Án: Hai Chức Sắc Cửu Trùng Ðài trong hàng Lễ Sanh hay là Giáo Hữu nơi địa phận sở tại.

Biện Hộ: Một Chức Sắc hoặc Chức Việc đồng phẩm với tội nhơn.

Chép Án: Một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài lãnh quyền Tòa Ðạo tại Châu Ðạo hay là một Chức Việc có đủ tư cách.
 
admin Wednesday, 03-08-2022, 10:16 AM | Message # 8
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
Ðiều thứ ba:

Phiên nhóm xử tại Châu Ðạo nào thì Chức sắc hay Chức việc nơi ấy đặng tuyển chọn 4 người làm nhơn viên dự xử.

Ðiều thứ tư: QUYỀN ÐIỀU TRA

Phận sự điều tra và lập hồ sơ những vụ tranh tụng thì về phần của những vị Chức sắc HTÐ thay mặt Tòa Ðạo ở các Châu. Vị Chức sắc nào đã lãnh phần điều tra thì không được quyền ngồi xử.

Ðiều thứ năm: QUYỀN XỬ ÐOÁN

1. Tòa Hòa Giải được quyền xử đoán những vụ tranh tụng trong hàng Chức việc: Chánh, Phó Trị Sự, Thông Sự, cùng là tín đồ trong địa phận của Tòa Ðạo mỗi Trấn Ðạo.

2. Tòa nầy cũng có quyền phân xử những vụ xảy ra giữa Ðạo hữu bên CQPT từ bậc Hành Thiện trở xuống.

Thảng như có những vụ tranh tụng giữa tín đồ hay là Chức việc với Chức sắc Thiên phong từ Lễ Sanh hay Giáo Thiện sắp lên, thì vị Chức sắc HTÐ lãnh quyền Tòa Ðạo nơi Trấn Ðạo phải tức cấp cho điều tra nội vụ rồi lập phúc trình đệ cả hồ sơ về Văn phòng Tòa Ðạo HTÐ Tòa Thánh cho vị Chưởng quản Tòa Ðạo xem xét.

3. Vị Chưởng quản Tòa Ðạo HTÐ sẽ liệu định, hoặc giả đưa ra Hội Công Ðồng, hoặc đệ ra Tòa HTÐ Sơ thẩm hay Thượng thẩm, hay là Tòa Tam Giáo CTÐ tùy theo mỗi vụ.

Ðiều thứ sáu: ÁN TIẾT CỦA TÒA HÒA GIẢI

Những án tiết của phiên Tòa Hòa Giải (Ðiều thứ 1, 2 và 3) sau khi Tòa đã tuyên án rồi, mà phạm nhơn nghĩ mình bị phạt oan ức thì được phép ký tên nơi Phòng Chép án tại Châu Ðạo đặng cầu nài đệ nội vụ lên Tòa HTÐ Tòa Thánh trong hạn lệ là mười lăm ngày kể tứ ngày tiếp án. Trong thời gian kêu nài (tục gọi là chống án) thì Tòa Hòa Giải không quyền thi hành án tiết đó.

Ðiều thứ bảy:

A. THỂ LỆ RIÊNG
Chức sắc HTÐ lãnh phận sự Tòa Ðạo tại Trấn Ðạo hay tại Châu Ðạo vừa thi hành lịnh Minh Tra do Hội Thánh truyền dạy, vừa được phép thâu nhận đơn trạng các nơi gởi đến và điều tra liền, rồi sẽ phúc sự sau. Chừng nào có lịnh trên phán đoán sẽ nhóm phiên Tòa xử. Trong buổi hành sự, Chức sắc trên đây được phép chăm nom trong địa phận đạo của mình, những hành vi của những Chức sắc Hành Chánh và PT sở tại. Nếu gặp điều gì sái luật hay bất hợp pháp theo thời cuộc thì được phép đệ tờ về Hội Thánh định liệu.

B. BẢNG ÁN TIẾT

1. Mắng nhiếc, chửi bới, phạm thượng: Phải xin lỗi trước mặt Tòa và công chúng.
2. Hành hung, hăm dọa: Quì hương từ 1 đến 3 nhang.
3. Ðánh đập không có thương tích: Quì hương từ 3 đến 5 nhg.
4. Ðánh đập có thương tích nhẹ: Chịu sở tổn thuốc men và quì hương từ 5 đến 7 nhang.
5. Ðánh đập có thương tích nhẹ và hư hao đồ đạc: Chịu tiền thuốc men, bồi thường đồ đạc và quì hương từ 7 nhang đến 10 nhang.
6. Tái phạm: Bội nhị.
 
admin Wednesday, 03-08-2022, 10:18 AM | Message # 9
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
Chương thứ nhì


Ðiều thứ tám: TÒA TAM GIÁO HTÐ

Trong phiên nhóm Tòa Tam Giáo HTÐ tại Tòa Thánh có những vị kể dưới đây:

Chủ Tọa: Ðức HỘ PHÁP, hay một vị Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài thay mặt, chọn trong hàng THẬP NHỊ THỜI QUÂN của Chi PHÁP.

Nghị Án: Hai vị Chức Sắc Cửu Trùng Ðài từ bậc Giáo Sư hay là Phối Sư.

Buộc Tội: Một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài trong hàng Thời Quân Chi THẾ.

Biện Hộ: Một Chức Sắc Cửu Trùng Ðài đồng phẩm với bị cáo nhân, và do bị cáo nhân lựa chọn.

Cải Trạng: Một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài trong hàng Thời Quân Chi ÐẠO.

Chép Án: Một Chức Sắc tiểu cấp Hiệp Thiên Ðài.
 
admin Wednesday, 03-08-2022, 10:19 AM | Message # 10
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
Ðiều thứ chín: QUYỀN XỬ ÐOÁN

Tòa Tam Giáo HTÐ phải nhóm tại Tòa Thánh Tây Ninh để xét đoán, phân xử những đơn kêu nài của phạm nhơn còn uất ức, không vừa lòng án tiết của Tòa Tam Giáo CTÐ.

Ðiều thứ mười: PHÂN ÐỊNH QUYỀN XỬ ÐOÁN CỦA TÒA TAM GIÁO HTÐ

Phiên Tòa Tam Giáo HTÐ cũng có phân định quyền xử đoán những vụ xảy ra:

1. Giữa Chức sắc và Chức việc với tín đồ.
2. Giữa Chức sắc với Chức sắc các cơ quan của Ðạo.
3. Giữa Chức sắc CTÐ hay Chức sắc PT với Chức sắc HTÐ.
4. Giữa nhơn viên cao cấp của các Bộ ngoại Chánh Trị Ðạo.

Ðiều thứ mười một: DANH SÁCH CÁC NHÂN VIÊN DỰ XỬ CỦA TÒA HTÐ.

Những danh sách của các nhân viên ngồi xử phiên Tòa HTÐ thì phải có Sắc huấn của Ðức Hộ Pháp, đề cử do vị Chưởng quản Tòa Ðạo HTÐ tại Tòa Thánh chuyển đệ xin phê.

Ðiều thứ mười hai: ÁN TIẾT CỦA TÒA HTÐ

Những án tiết của phiên Tòa HTÐ (điều thứ 8, 9, 10) sau khi đã tuyên án rồi thì bị cáo nhân không còn kêu nài nữa.

Ðiều thứ mười ba: QUYỀN PHÁ ÁN VÀ QUYỀN ÂN XÁ

Quyền phá án thì phần Tòa Tam Giáo thiêng liêng và quyền của Ðức Chí Tôn (BQÐ) nhứt định, ấy là về phần của cơ Thiên trị.

Quyền ân xá là quyền của Ðức Hộ Pháp về hình luật hữu vi mà buộc Người phải dâng sớ vào Tòa Ðạo BQÐ cầu xin tha thứ về hình luật Thiên điều.

Cách tổ chức của quyền Tư Pháp của Ðạo hay là Pháp Chánh rất nên đơn sơ giản dị, chỉ có các Tòa Hòa Giải ở địa phương và một Tòa Tam Giáo HTÐ .

Ngoài ra, mỗi cơ quan Chánh Trị Ðạo có kỷ luật riêng, vị nào phạm kỷ luật ấy thì giao cho cơ quan mà họ thuộc thẩm quyền xử trị họ. Ta có thể tạm gọi đó là quyền Tư Pháp Hành Chánh. Quyền nầy gồm có Hội Công Ðồng cho tới Tòa Tam Giáo CTÐ làm cơ quan đặng xử đoán những vụ tranh tụng quyền hành giữa Ðạo hữu với Ðạo hữu, Ðạo hữu với Chức việc, Chức sắc hay là Chức sắc với Chức sắc.
 
admin Wednesday, 03-08-2022, 10:22 AM | Message # 11
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
HÌNH ÁN của PHÁP CHÁNH HTÐ

LUẬT: Những vị nào phạm Luật Pháp thì chiếu theo Thập hình của Ðức Lý Giáo Tông mà định tội.

Kẻ phạm phải chịu dưới hai quyền lực:

· Luật: là Tân Luật, Bát Ðạo Nghị Ðịnh và luật lệ Hội Thánh.
· Pháp: là Pháp Chánh Truyền và Thánh giáo của Ðức Chí Tôn.

QUYỀN GIÁM SÁT và QUYỀN BÃI MIỄN của PHÁP CHÁNH

Chiếu theo Ðạo luật năm Mậu Dần (1938) thì Pháp Chánh là cơ quan bảo thủ chơn truyền y theo khuôn viên Ðạo pháp, bảo đảm sanh chúng, gìn cân công lý cho toàn cả chúng sanh được sống một cách thung dung thơ thới dưới mặt luật công bình của Ðạo.

Pháp Chánh binh vực những người bị uất ức, trừng phạt những người phạm luật pháp, gìn giữ quyền hành phân minh, đẳng cấp trật tự cho nền Chánh Trị Ðạo.

Ngoài phận sự bảo vệ luật pháp như Chức sắc HTÐ hay rõ hơn chư vị cầm quyền Pháp Chánh còn có phận sự chăm nom cả hành vi của toàn thể Ðạo trong phạm vi hành sự của mình, thị chứng các cuộc nhóm họp của cơ quan hành chánh và Phước Thiện.

Quyền nầy giống như quyền giám sát trong Ngũ quyền Hiến Pháp của Tôn Dật Tiên nước Tàu.

Về Chánh Trị Ðời, trong chánh thể dân chủ, Nghị hội dân chúng có quyền bãi miễn các viên chức của chánh phủ nếu họ không vừa lòng hành vi của các vị nầy.

Trong Chánh Trị Ðạo thường thấy quyền bãi miễn nầy thuộc Bộ Pháp Chánh, tức là thuộc cơ quan của quyền Tư Pháp, chiếu theo Thập Hình của Ðức Lý Giáo Tông.

Trong các trường hợp điều tra, khi một vị Chức sắc phạm tội, Bộ Pháp Chánh có quyền tạm bãi miễn, tức là tạm thâu quyền và chức của vị ấy, để đưa bị cáo nhân ra Tòa Pháp Chánh điều tra hay thẩm phán, sau khi ấy, nếu trắng án vô tội sẽ được phục quyền chức như cũ. (Trích quyển Chánh Trị Ðạo của Khai Pháp Trần Duy Nghĩa)

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
PT: Phước Thiện.
BQÐ: Bát Quái Ðài.
PCT: Pháp Chánh Truyền.


 
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: