阿羅漢
A: Arhat.
P: Arhat.
A-La-Hán là tiếng phiên âm từ chữ Phạn: Arhat, dịch nghĩa theo Hán văn là Ứng Cúng, Phá ác, Bất sanh.
Ứng cúng nghĩa là có phước đức hoàn toàn, trí huệ hơn cả, đáng làm nơi phước điền cho chúng sanh cúng dường.
Phá ác là phá tan được giặc phiền não Tam độc do Tham, Sân, Si tạo ra.
Bất sanh nghĩa là thoát vòng luân hồi sanh tử, không còn sanh ra tại thế gian nầy nữa. A-La-Hán thường được gọi tắt là La-Hán. Truyền thuyết nói rằng, hồi Ðức Phật Thích Ca mới mở Ðạo Phật tại Bắc Ấn Ðộ, Phật có phái 16 vị La Hán (có sách chép 18 vị) đi ra các nước nhỏ chung quanh để truyền bá Phật đạo. Do đó trong các chùa Phật ngày nay thường có tạc tượng 16 vị hay 18 vị La Hán để thờ, kỷ niệm việc truyền đạo nầy.
A-La-Hán là quả vị cao nhất trong 4 quả vị của hàng Thinh Văn thừa, từ thấp lên cao, kể ra:
1. Tu-Ðà-Huờn: Quả vị đầu tiên của Thinh Văn thừa.
2. Tư-Ðà-Hàm: Quả vị thứ hai của Thinh Văn thừa.
3. Na-Hàm: Quả vị thứ ba của Thinh Văn thừa.
4. La-Hán: Quả vị thứ tư của Thinh Văn thừa.
Người tu chứng bực A-La-Hán thì đạt được Lục thông (6 phép Thần thông): Thiên Nhãn thông, Thiên Nhĩ thông, Tha Tâm thông, Túc Mạng thông, Thần Túc thông, Lậu Tận thông.
Qua khỏi Thinh Văn thừa thì lên Bồ Tát thừa, tức là tu đặng quả vị La Hán rồi thì mới tiếp tục tu hành để lên quả vị kế tiếp là Bồ Tát.
Thinh Văn thừa thuộc về Tiểu thừa, Bồ Tát thừa thuộc về Ðại thừa.
Cả hai Tiểu thừa và Ðại thừa đều là Phật thừa.
KCK: Chư Ðại Bồ Tát, Ngũ bá A-La-Hán cứu hộ....
Ngũ bá A-La-Hán là 500 vị A-La-Hán được Nhứt Tổ Ma-Ha Ca-Diếp chọn để lập Ðại hội kết tập Kinh điển lần nhứt của Phật giáo, sau khi Phật Thích Ca nhập Niết Bàn 4 tháng.
Cuộc kết tập nầy ở tại thành Vương Xá, Nhứt Tổ Ma-Ha Ca-Diếp làm chủ tọa. Ngài A-Nan được cử ra đọc lại lời Phật dạy, chép thành Tạng Kinh; Ngài Ưu-Pa-Ly đọc lại các Luật do Phật dạy chép thành Tạng Luật; và Ngài Ma-Ha Ca-Diếp đọc tạng Luận. Người ta dùng chữ Phạn chép ba Tạng Kinh (Tam Tạng Kinh) trên lá buôn để lựu lại đời sau.
KCK: Kinh Cứu Khổ.