Trẻ cấp tiến, già bảo thủ, chuyện xã hội nhân gian xưa nay vẫn vậy. Trường tấn hóa buộc phải có cựu lẫn tân, một đàng trì một đàng kéo cân cho tâm lý chúng sanh là bước trung dung khi hành động. Đời hay Đạo cũng thế không già sao có trẻ, không trẻ già tựa vào đâu? Có sanh hoạt buộc mình phải rõ lý. Lấy tài trí duy tân mà quên cội gốc ngọn nguồn, ôm quá khứ mà không chuyển xây kịp thế là những nét cực đoan không ưu thời mẫn thế. Người hành Đạo ắt phải trung dung mới được lòng sanh chúng. Nơi đất khách quê người chưa dễ chi triệu tập nổi một Đại hội Nhơn sanh cho đúng nghĩa thì cũng phải mô phỏng theo hình thức ấy gom góp ý chung mới là quán thế.
Bước Thánh phải lần dò, quán tục phải lìa xa đừng xem chuyện Đạo như chuyện nhà e thất sách, bởi chúng ta ít người thông hiểu ngọn nguồn ngõ ngách của Pháp chánh luật Trời từ buổi ban sơ.
Năm Bính Dần 1926, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ra đời với 28 chữ ký tên của bậc tiền bối và 247 tín đồ đứng tên trong tịch Đạo. Đó là pháp lý khai sinh nơi mặt thế, đối với nhơn quần xã hội luật pháp quốc gia buổi ấy.
Hội Thánh lập thành và sinh hoạt theo Pháp Chánh Truyền, Tân Luật; không có một chi phái nào có mặt trong quyền Hội Thánh. Ấy là một khối đoàn kết thương yêu đựơc Đức Lý dắt dìu từng câu, từng chữ trong lời dạy hằng ngày dầu việc nhỏ, việc lớn cũng vậy. Vài năm sau quyền Hội Thánh bắt đầu nứt rạn dần đến chia phe phân phái.
Tại sao?
Vốn từ trước cõi Đông Dương này nhà cầm quyền thực dân Pháp muốn chia cho dễ trị nên vừa khi Hội Thánh thành hình, khối tín đồ đông đảo tin theo Pháp ra tay giục loạn. Các anh lớn nắm Đạo quyền phần đôngxuất thân từ chốn quan trường có con em du học bên Pháp bị bắt buộc phải tách rời Tòa Thánh Tây Ninh lập phe chia phái cho giảm suy sức mạnh khối tín đồ Cao Đài, bằng chẳng nghe lời Pháp sẽ cắt học bổng và trợ cấp gia đình của các con em bên ấy.
Trước thế hiểm độc của Pháp tung ra, các Đạo huynh lén về mật nghị cùng Thượng Trung Nhựt và Hộ Pháp. Ngộ biến phải tùng quyền: chia thì chia, cũng tỉ như anh em mình ước hẹn mỗi người lo phổ độ một nơi cũng chung quyền Thánh Thể, miễn sao truyền bá Đạo Trời là được, xin đừng lập quyền hội Thánh riêng ắt phạm tội. Anh em toan tính nghe cũng êm xuôi nhưng phép tà thần đâu dừng ở đó, giục loạn phàm tâm, tranh quyền tranh chức nghi ngờ lẫn nhau nhiều việc. Cơ bút cầu riêng hư hư thực thực khó phân, dạy truyền nhiều lẽ chống đối lẫn nhau, tình huynh đệ chẳng còn, trường tranh đấu trong Đạo một phen điên đảo.
Chi phái đã thành hình không như toan tính, nguyên nhân nay đã khác vẫn lập quyền riêng, có Hội Thánh riêng, đạo phục cũng khác vài phần, có phong thưởng riêng, kinh sách lưu truyền tự do canh cải.
Ôi! cũng quyền Đạo, một tấn tuồng bia miệng thế. Một chi, hai chi, ba chi rồi nhiều chi nối tiếp coi mòi nổi loạn. Thánh quyền tựa hồ tan rã. Đức Lý Đại Tiên mới ra tay dẹp loạn. Đạo Nghị định thứ 8 ra đời không nhìn nhận chi phái. Từ đó Tòa Thánh mới được yên, mặc cho chi phái tự do sinh hoạt theo sự hiểu biết riêng của nhơn sanh.
Hai dòng tư tưởng đã thành hình rõ rệt tại Tòa Thánh Tây Ninh, tổ đình chung của các phái. Hội Thánh Cao Đài được thành lập từ buổi ban sơ vẫn tiếp tục phổ truyền chánh giáo, lấy Pháp Chánh Truyền, Tân Luật làm chuẩn, kinh điển thì Thánh Ngôn Hiệp Tuyển không đổi dời tư tưởng y như lời minh thệ đã hứa.
"Từ đây chỉ biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ thay lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài, như sau có lòng hai thì Thiên Tru Địa Lục.”
Quyền Hội Thánh đã có Đức Lý Thái Bạch kiêm nhiệm Giáo Tông, Hộ Pháp là Ngài Phạm Công Tắc, chức sắc tuy chẳng đủ người nhưng cũng một lòng một dạ.
Còn phần chi phái tại các địa phương y như lời truyền tự do biến tướng cũng thu phục nhơn tâm mở mang địa phận, thu nhận tín đồ, phong thưởng thêm chức sắc, phỏng theo hình đồ Pháp Chánh Truyền, Tân Luật nhưng ngặt một điều là không nhìn quyền Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.
Trời bây giờ có hai ngôi.
Ngôi Trời đã lập là Tòa Thánh Tây Ninh tiếp tục hành quyền thể Thiên hành hóa.
Ngôi Trời mới lập do chi phái cầm quyền rải rác ở nhiều nơi cũng xưng danh Hội Thánh.
Lòng ngừơi đã đổi, câu minh thệ cũng trở nên thừa, chúng sanh thêm một phen ngơ ngác.
Pháp Chánh Truyền Đức Chí Tôn đã định, chỉ có một phẩm Giáo Tông cầm quyền gọi là Anh Cả, dưới có 03 Chưởng Pháp, 03 Đầu Sư, vvv... Con số đã ấn định rành rành, Thầy lại dặn không nên thêm hay bớt. Nay chi phái lập thành xưng danh Hội Thánh thì phải có thêm Giáo Tông, Hộ Pháp, chẳng biết Đức Lý mới nghĩ sao?
Ngôi Giáo Tông có một, Thầy phú giao cho Đức Lý Thái Bạch kiêm nhiệm về phần vô vi, còn hữu hình dầu ai có thế cũng là người thay mặt Ngài gọi "Quyền Giáo Tông” mà thôi. Ngôi Giáo Tông chỉ có một Ngai cho toàn Đạo Cao Đài, hai ba ông đòi ngồi chỗ đâu mà ngự!
Chơn pháp ở chỗ nào? Ai là người rõ thấu?
Nay Cao Đài giáo hải ngoại ra đời có một số chức sắc Thiên phong hữu thệ thuộc Tòa Thánh Tây Ninh tham dự, tuyên bố nhìn nhận tất cả Hội Thánh Cao Đài tại Việt Nam thì ngôi Giáo Tông mới tính lẽ nào cho xuôi tai đừng để chúng sanh rối trí. Luật pháp Đạo rành rành, ai dám bẻ cong ngòi bút. Tình anh em một lẽ nhưng thánh phàm đôi nẻo, ý phải phân minh kẻo để cực lòng ông cầm cân pháp chánh.
Nhìn nhận tất cả Hội Thánh trong ĐĐTKPĐ tại VN là mặc nhiên tuyên bố Đạo Cao Đài có nhiều Giáo Tông chứ không phải một ngôi Giáo Tông trong Pháp Chánh Truyền Đức Chí Tôn định một. Cao Đài giáo hải ngoại tuyên bố có nhiều, chuyện chỉ có bao nhiêu cũng đủ đảo điên luật pháp. Sao gọi đúng? Sao gọi sai?
Suy nghĩ hoài thật khó nói. Hễ nói sai anh em chi phái phiền cho rằng mình thiếu tình thương không đoàn kết, còn nói đúng thì Đấng Huyền Khung kia đâu có dạy vậy. Ngài đâu có viết (bản) quyển Pháp Chánh Truyền thứ hai sửa lại rằng ngôi Giáo Tông phải có nhiều vị, nhiều Anh Cả cầm quyền cùng một lúc. Cực lòng nên phải nói ra đây, mượn lý pháp chánh giải bày chứ anh em tu được ngày nào hoan nghinh ngày đó.
Đời là quán trọ, Đạo đâu phải cửa công khanh, ai có giựt giành chi cho nhọc trí. Một việc tốt hai việc lành dầu nhỏ nhoi cũng là hành thiện.
Trường phổ tế phải phân biệt, phân cho ra chánh lý. Đạo pháp vốn vô biên mình giữ được dạ hiền cũng là quý lắm!
Nơi hải ngoại ít người luận giải cho đám môn sinh rõ lý. Đạo vốn từ bi nhưng chẳng phải muốn gì cũng được. Hễ anh em chẳng hòa thì Đức Chí Tôn chẳng ngự. Ngôi đền thờ còn trơ lại khối xi măng, đàn nội cúng phe phái chống kình, lằn điển ấy làm rung rinh Kinh Bạch Ngọc.
Hai dòng tư tưởng đã phân minh, mong anh em hải ngoại hiệp lại làm một quyền lo tu tiến. Còn huyền linh phép lạ ấn chứng tâm truyền Thầy đã hứa cho, ai giữ đúng chơn truyền đủ hạnh đức thanh cao, dày công cùng sanh chúng ắt là phải được. Thanh thanh trược trược khó nói vậy thay, luận giải hoài không hết lý, xem hào quang chơn khí rõ thiệt hư. Việc Đạo từ từ ra thiệt tướng, nên thì để, hư thì bỏ quyền Thiêng Liêng định vậy.