admin |
Friday, 05-08-2022, 4:03 PM | Message # 1 |
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
|
閉道 - 開道
A: To close the way - To open the way (the Saint Doctrine).
P: Fermer la voie - Ouvrir la voie (la Sainte Doctrine).
Bế: Ðóng lại. Ðạo: Tôn giáo, Giáo lý, Luật pháp tu hành. Khai: Mở ra.
Ðạo là con đường để cho các bậc Thánh Tiên lầm lỗi bị đọa trần do theo để trở về cựu vị nơi cõi thiêng liêng. Ðạo cũng là con đường để cho các phẩm chơn hồn do theo mà tiến hóa đạt những phẩm vị cao trọng hơn.
Như vậy, Ðạo luôn luôn có (hằng hữu), không bao giờ mất đi hay bị tiêu diệt, chỉ có trường hợp Ðạo bế hay Ðạo khai mà thôi..
Việc bế Ðạo hay khai Ðạo, tỉ như một dòng suối. Dòng suối nầy phát khởi từ hồi có Trời Ðất và cứ chảy mãi, không bao giờ ngừng nghỉ.
Qua nhiều năm, cỏ rác lần lần mọc bít che lấp dòng suối, đến một lúc nào đó thì dòng suối bị cỏ rác phủ kín, không còn để lại dấu vết gì nữa. Nhưng dòng suối vẫn chảy mãi không ngừng. Dòng suối ấy là Ðạo.
Cỏ rác lần lần thu hẹp dòng suối, ấy là thời kỳ chơn truyền của Ðạo bị người phàm cải sửa nên sai lạc một phần. Ðến khi dòng suối bị phủ kín hoàn toàn thì chơn truyền đã sai lạc hẳn. Ðó là thời kỳ Ðạo bế, người tu bị lầm lạc, tu không đúng chơn truyền nên công đức có mà đắc đạo thì không.
Sau đó một thời gian, có một vị thông minh sáng suốt phi thường, biết nơi ấy có một dòng suối đã bị phủ kín, liền đến đó khai thông, chặt cỏ hốt rác, dọn dẹp sạch sẽ thoáng mát thì dòng suối hiện ra để nhơn sanh nhìn thấy. Ðó là thời kỳ Ðạo khai, sau khi đã bị bế lại một thời gian. Vị khai quang dòng suối ấy là Giáo chủ mở ra một chơn truyền mới.
Ðạo bị bế rồi lại khai, khai rồi lại bế, cứ luân chuyển mãi như thế, nhưng Ðạo vẫn là Ðạo, Ðạo vẫn như nhiên, lưu hành mãi trong CKVT. Nói là Ðạo khai hay là Ðạo bế là đứng về phía nhơn loại mà nhìn Ðạo.
Ðạo khai là khi có một Ðấng Giáo chủ vạch ra một phương pháp tu hành để cho người tu dễ đắc đạo.
Ðạo bế là khi Ðấng Giáo chủ đã qui Thiên, chơn truyền của Ngài bị môn đồ canh cải lần lần, qua nhiều thế hệ thì sai lạc hẳn, làm cho người tu lầm lạc, tu không đúng pháp, nên không đắc quả được.
Ðạo không bao giờ thay đổi, nhưng phương pháp khai Ðạo hay dạy Ðạo thì thay đổi tùy theo vị Giáo chủ và tùy theo hoàn cảnh của đời, tùy theo trình độ tiến hóa của nhơn sanh. Do đó, mới có nhiều tôn giáo khác nhau, mở ra tại nhiều địa phương khác nhau trên thế giới.
Các tôn giáo có danh xưng khác nhau, phương pháp tu hành khác nhau, kinh kệ khác nhau, nhưng vẫn có một gốc duy nhất là Thượng Ðế mà thôi. Các vị Giáo chủ chỉ là những Ðấng Tiên, Phật, nhận lãnh mạng lịnh của Thượng Ðế giáng trần giáo hóa nhơn sanh tu hành. Do đó, chúng ta đừng mê chấp cho rằng: Ðạo mình cao, Ðạo kia thấp, Ðạo ta chánh, Ðạo nọ tà. Con mắt phàm của chúng ta không thể phân biệt tà hay chánh.
Trước năm Bính Dần (1926) là thời kỳ Ðạo bế, vì các nền tôn giáo lớn ở phương Ðông như Tam giáo: Nho, Thích, Ðạo, cũng như Thánh giáo Gia Tô (Thiên Chúa giáo) ở phương Tây, đã trải qua gần 2000 năm đến 2500 năm, nên chơn truyền bị nhơn sanh sửa cải sai lạc hoàn toàn so với lúc ban đầu, Thánh giáo đã biến thành Phàm giáo, nhơn tâm ly tán, thiện ác bất phân, kẻ tu hành chỉ chuộng âm thanh sắc tướng, cố chấp kinh điển, làm cho phép tu sai lạc, thì làm sao đắc đạo.
Ðến năm Bính Dần (1926), Ðức Chí Tôn Thượng Ðế dùng huyền diệu cơ bút, khai ÐÐTKPÐ để qui Tam giáo, hiệp nhứt Ngũ chi, sàng lọc các giáo lý, để tạo nên một chơn truyền mới, có khả năng bao gồm và dung hợp tất cả giáo lý cũ, để tận độ nhơn sanh trong thời Hạ Nguơn Tam Chuyển, đưa nhơn loại vào Thượng Nguơn Thánh đức của Tứ Chuyển.
Ðức Chí Tôn khẳng định rằng: Gặp TKPÐ nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ. ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
|
|
| |