[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Bí pháp - Thể pháp
admin Friday, 05-08-2022, 1:29 PM | Message # 1
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
I. Ðịnh nghĩa Bí pháp và Thể pháp:
秘法 - 體法

A: Esoterism - Exoterism; Esoteric doctrine- Exoteric doctrine.

P: Esotérisme - Exotérisme; Doctrine ésotérique - Doctrine exotérique.

Bí: Giấu kín, không hở ra cho ai biết. Pháp: Pháp luật, phương thức, giáo lý. Thể: là có hình thể thấy được, thuộc về hữu hình.

Một cách tổng quát, chúng ta có thể định nghĩa:

Bí pháp là pháp luật bí ẩn, là định luật vô hình chi phối sự tiến hóa của các chơn linh trong CKVT.

Thể pháp là pháp luật hữu hình, là định luật định tướng định hình để dẫn dắt đời sống của nhơn loại vào nẻo thanh cao và hạnh phúc.

Như vậy, những điều gì mà chúng ta quan sát thấy được thì gọi là Thể pháp; còn những điều gì bí ẩn mà chúng ta không thể thấy được thì gọi là Bí pháp.

Bất cứ một nền tôn giáo nào cũng đều phải có hai phần: Thể pháp và Bí pháp. Trong trường hợp nầy, Bí pháp và Thể pháp được định nghĩa như sau:

Thể pháp là tất cả những giáo lý, luật pháp, kinh kệ, thờ phượng, cúng lạy, nhạc lễ, dạy dỗ và dẫn dắt nhơn sanh đi theo con đường đạo đức. Ðó là những luật hữu hình ràng buộc đời sống của tín đồ vào trọn trong khuôn viên đạo đức để được sống hòa bình, thanh cao và hạnh phúc. Như thế, Thể pháp chính là cơ quan giải khổ cho chúng sanh.

Bí pháp là các phương thức luyện đạo, cứu giúp linh hồn mà mục đích cuối cùng là đắc đạo, đạt được phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật nơi cõi thiêng liêng, thoát vòng luân hồi đau khổ, sống an nhàn tự tại miên viễn nơi cõi Cực Lạc Niết Bàn. Như thế, Bí pháp chính là cơ quan giải thoát chúng sanh.

Những phương pháp luyện đạo trong Bí pháp không được phổ biến ra ngoài, chỉ bí truyền cho những đệ tử đã được chọn lọc kỹ lưỡng có đầy đủ hạnh đức. Các phương pháp ấy được truyền trực tiếp từ Thầy sang trò bằng lời nói riêng, nên gọi là Bí pháp khẩu thọ tâm truyền, hay Tâm pháp bí truyền.

Do đó, Thể pháp và Bí pháp của Ðạo Cao Ðài rất đặc biệt, hoàn toàn mới so với các nền tôn giáo cổ, nhưng rất phù hạp với trình độ tiến hóa của nhơn sanh hiện nay, lại thể hiện được thời kỳ Ðại Ân Xá của Ðức Chí Tôn để tận độ nhơn sanh.

TÐ ÐPHP: "Bần đạo vâng lịnh Ðức Chí Tôn xuống trần mở Ðạo thì Chí Tôn mới hỏi rằng: Con phục lịnh xuống thế mở Ðạo, con mở Bí pháp hay là mở Thể pháp trước?

Bần đạo mới trả lời: Xin mở Bí pháp trước.

Chí Tôn nói: Nếu con mở Bí pháp trước thì phải chịu khổ đa, đang lúc đời cạnh tranh tàn bạo, nếu mở Bí pháp trước thì cả sự bí mật huyền vi của Ðạo, đời thấy rõ rồi xúm nhau tranh giành phá hoại thì mối Ðạo mới ra thế nào? Vì thế con nên mở Thể pháp trước, dầu cho đời quá dữ, tranh giành phá hoại cả cơ thể hữu vi hư hủy đi nữa thì cũng vô hại, miễn là mặt Bí pháp còn là Ðạo còn."
 
admin Friday, 05-08-2022, 1:30 PM | Message # 2
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
II. Thể pháp của Ðạo Cao Ðài:

Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo chỉ rõ rằng: Thể pháp của Ðạo Cao Ðài nói gọn trong bốn chữ: PHỤNG SỰ VẠN LINH.

Vạn linh là tất cả các chơn linh trong CKVT, gồm đủ Bát hồn: Vật chất hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn. Vạn linh đầu kiếp xuống cõi trần là chúng sanh. Vậy, Phụng Sự Vạn Linh tức là PHỤNG SỰ CHÚNG SANH.

Danh từ tuy không mới mẻ nhưng ý tưởng lại rất tiến bộ tân kỳ, vì từ xưa tới nay, người tu bao giờ cũng lo cho chính mình để mình được thành Tiên Phật, mà chơn lý của Ðạo Cao Ðài hiện nay là: Lo cho người tức lo cho ta; giúp người tiến hóa tức là giúp ta tiến hóa.
 
admin Friday, 05-08-2022, 1:31 PM | Message # 3
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
Do đó, đối với các tín đồ Cao Ðài, Ðức Chí Tôn dạy: Hãy hoàn toàn quên mình để phụng sự vạn linh.

Phụng sự vạn linh là một quan niệm sống rất cao cả, thỏa mãn đầy đủ ba mục đích sống của ba hạng người tiêu biểu của nhơn loại:

· Hạng mang quả kiếp nặng nề nên phải đầu kiếp trở lại cõi trần để trả quả.

· Hạng muốn học hỏi thêm để tiến hóa thêm nữa.

· Hạng muốn lập công đức để cho phẩm vị của mình thêm cao trọng nơi cõi thiêng liêng.

Chúng ta không thể tự biết rõ mình thuộc hạng nào trong ba hạng vừa kể trên, cho nên cứ lấy việc Phụng sự Vạn linh làm mục đích cuộc sống, nhờ đó mình sẽ được:

■ Chúng ta không biết mình bị quả kiếp nơi nào, người nào, nhưng nhờ Phụng sự Vạn linh, và nhờ hồng ân của Ðức Chí Tôn, cho ta gặp được những người đó để chúng ta trả hết các quả kiếp tiền khiên.

■ Chúng ta học hỏi để biết bộ máy mầu nhiệm của Tạo Hóa, chúng ta nhờ Phụng sự Vạn linh và do việc Phụng sự ấy nó chỉ cho ta những điều mà ta muốn học hỏi, cũng như nhờ đó ta sẽ khám phá được những điều mà ta muốn biết.

■ Chúng ta muốn cho phẩm vị của chúng ta nơi cõi thiêng liêng được thăng lên cao hơn nữa thì chúng ta càng phải Phụng sự Vạn linh nơi cõi trần nầy, dẫn dắt chúng sanh vào đường đạo đức, thì cái công quả to lớn đó mới giúp phẩm vị ta thêm cao trọng.

Lại nữa, việc Phụng sự Vạn linh là phương thức hiệu quả nhứt để mỗi chúng ta trả ba món nợ mà bất cứ ai đã mang xác thịt nơi cõi trần nầy đều mắc phải. Ba món nợ đó là:

· Món nợ đối với cha mẹ phàm trần: Cha mẹ sanh ta ra, nuôi nấng dạy dỗ cho khôn lớn, công khó nhọc biết bao nhiêu mà kể.

· Món nợ đối với hai Ðấng Cha Mẹ thiêng liêng là Ðức Chí Tôn và Phật Mẫu đã tạo ra Chơn linh và Chơn thần của ta.

· Món nợ đối với xã hội đã cung cấp cho ta những vật thực và những tiện nghi của cuộc sống, và món nợ quốc gia, đã bảo vệ của chúng ta được an lành.

Muốn trả dứt ba món nợ nầy thì chỉ có cách là Phụng sự Vạn linh, Phụng sự một cách triệt để và chí thành.

Nếu được như vậy thì khi chúng ta thoát xác, cõi Thiêng liêng Hằng sống sẽ mở rộng cửa rước chúng ta trở về, vì không ai còn níu lưng đòi nợ chúng ta hết. Chúng ta đã Phụng sự Vạn linh tức là chúng ta đã trả dứt nợ.

Muốn Phụng sự Vạn linh đạt được hiệu quả tối đa và hoàn toàn tốt đẹp thì phải có phương pháp và tổ chức khoa học. Do đó, Ðức Chí Tôn lập ra cho chúng ta một cơ quan Phụng sự Vạn linh là nền Ðại Ðạo Cao Ðài với hình thể gồm ba Ðài: Cửu Trùng Ðài, Hiệp Thiên Ðài và Bát Quái Ðài.
 
admin Friday, 05-08-2022, 1:31 PM | Message # 4
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
Cửu Trùng Ðài: lo việc phổ độ và giáo hóa nhơn sanh, giúp nhơn sanh giác ngộ, cải ác tùng lương, dẫn dắt nhơn sanh vào đường đạo đức.

Hiệp Thiên Ðài: lo gìn giữ luật pháp Chơn truyền Ðại Ðạo, không cho ai sửa cải.

Bát Quái Ðài: chỉ huy hai Ðài trên để điều động toàn thể cơ quan Phụng sự Vạn linh cho được hiệu quả.

Bên cạnh Cửu Trùng Ðài còn có Cơ Quan Phước Thiện để cứu khổ và giải khổ cho nhơn sanh.

Tân Luật, Pháp Chánh Truyền, Ðạo Luật, Ðạo Nghị Ðịnh, là những cái hàng rào dựng lên dọc theo con đường Phụng sự, và Giáo lý Ðại Ðạo là người dẫn đường cho mỗi người chúng ta đi trọn vẹn trong con đường đó, đúng theo Thánh ý của Ðức Chí Tôn.

Việc Phụng sự Vạn linh và đánh giá kết quả việc phụng sự đó, Ðức Chí Tôn gọi là một Trường Thi Công Quả.
 
admin Friday, 05-08-2022, 1:33 PM | Message # 5
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
"Vì vậy mà Thầy hằng nói cùng các con rằng: Một Trường thi Công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc Thế giới thì phải đi tại cửa nầy mà thôi." (TNHT. I. 34)

Tất cả những hình thức tổ chức trên: CTÐ, HTÐ, BQÐ và CQPT đều được gọi chung là Thể pháp của Ðạo Cao Ðài trong mục tiêu quan trọng nhứt là Phụng sự Vạn linh.

III. Bí pháp của Ðạo Cao Ðài:

"Ðạo Cao Ðài có đủ quyền năng hiển hách anh linh của nó, không có một nền tôn giáo nào tại thế nầy khả dĩ đối thủ được cả thảy, tức nhiên Bí pháp của Ðạo Cao Ðài, giờ phút nầy không có kẻ nào dám cả gan nói Bí pháp ấy do tay phàm hay do một vị Giáo chủ mang xác phàm cầm nó, mà chính trong tay Ðức Chí Tôn là Ðấng tạo CKVT và Chúa vạn vật, cầm Bí pháp trong tay đặng độ rỗi phần hồn nhơn loại." (Thuyết đạo của Ðức Phạm Hộ Pháp).

Bí pháp thì bí mật, nhưng ÐÐTKPÐ nầy, Ðức Chí Tôn ban cho ân huệ là Ðại Ân Xá, nên Ðức Chí Tôn không giấu giếm Bí pháp nữa, mà Ðức Chí Tôn bày ra trước mắt nhơn sanh, để nhơn sanh thấy rõ mà thực hành. Và Ðức Chí Tôn nhấn mạnh: "Gặp Tam Kỳ Phổ Ðộ nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi."

Bí pháp đó là: Ðức Chí Tôn biểu chúng ta dâng Tam Bửu (Tinh, Khí, Thần) của chúng ta lên cho Ðức Chí Tôn để Ðức Chí Tôn lấy đó làm phương tiện phụng sự vạn linh.

Tại sao gọi đó là Bí pháp của Ðạo Cao Ðài?

Vì chính đó là cơ quan giải thoát chúng ta khỏi luân hồi để trở về hiệp nhứt cùng Ðức Chí Tôn, tức là đắc đạo vậy.

Ðức Phạm Hộ Pháp giải thích như sau:

"Ấy vậy, mỗi ngày, từ mơi tới trưa, đến chiều, từ chiều đến khuya, từ khuya đến sáng, mình vô Ðền Thánh kêu Ðức Chí Tôn, kêu Tam giáo và các Ðấng thiêng liêng mà phân chứng trước: Thân tôi không còn là của tôi nữa, tôi đã hiến dâng cho Ðức Chí Tôn, để làm tôi tớ cho vạn linh thay thế Ðức Chí Tôn.

Giờ phút đó, chúng ta không biết tội nào chúng ta đã làm, dầu có tội, mà chúng ta không làm điều gì thêm tội nữa thì quả kiếp ấy tiêu diệt, cơ quan giải thoát chúng ta đoạt, không thể gì định tội được.

Ðức Chí Tôn biểu chúng ta không phải là chúng ta, mà chúng ta không phải là chúng ta thì quả kiếp ấy cũng không phải là của chúng ta, tức nhiên ta đã đoạt cơ giải thoát."
 
admin Friday, 05-08-2022, 1:34 PM | Message # 6
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
Như vậy, mỗi ngày chúng ta cúng Ðức Chí Tôn, chúng ta đều cầu nguyện dâng Tam Bửu Tinh Khí Thần, tượng trưng bằng Bông Rượu Trà, tức là dâng Thể xác, Chơn thần và Linh hồn của chúng ta lên cho Ðức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng, tức là chúng ta hoàn toàn tùy thuộc Ðức Chí Tôn sai khiến định liệu. Chúng ta không còn gì để lo lắng ngoài sự lo lắng làm thế nào thực hiện cho hoàn tất mệnh lệnh của Ðức Chí Tôn giao phó.

Bí pháp nầy, Ðức Chí Tôn để hiển hiện trước mắt nhơn sanh, mà ít ai để ý suy nghĩ.

Nhưng việc thực hiện Bí pháp nầy một cách trọn vẹn thì cũng rất khó khăn, nhưng càng khó khăn thì càng có giá trị xứng đáng. Ðâu có gì dễ đâu! Nhưng cũng không phải là quá khó khăn để chúng ta không thể thực hiện được. Nếu chúng ta có một đức tin mạnh mẽ nơi Ðức Chí Tôn, và có một tấm lòng hy sinh quên mình, thì mọi việc đều trở nên dễ dàng.

Như thế, cái tấm thân của ta đây, cả chơn thần và linh hồn nữa, ta đều giao hết cho Ðức Chí Tôn, giao thật sự với đầy đủ ý nghĩa của nó, thì không còn gì là của ta nữa, đừng nói chi là của cha mẹ ta hay của vợ con ta.

Như vậy cái TA (tức là cái NGÃ) không còn nữa, thì đâu còn gì để CHẤP NGÃ. Ðây là cách PHÁ CHẤP triệt để vô cùng hiệu quả hơn tất cả các phương pháp khác.

Sự dâng hiến nầy, nếu chúng ta thi hành một cách chí thành thì đủ đem chúng ta trở về cùng Ðức Chí Tôn, mà không cần phải làm thêm một điều chi khác nữa.

Trong TNHT, Ðức Chí Tôn có dạy rằng:
"Trong các con, có nhiều đứa lầm tưởng, hễ vào Ðạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân luyện đạo. Thầy nói cho các con biết, nếu công quả chưa đủ, nhân sự chưa xong, thì không thể nào các con luyện thành đặng đâu mà mong. Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều là phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy thì tìm cách khác mà làm âm chất, thì công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối cao."

Nhưng trong kỳ Ðại Ân Xá nầy, đối với nhơn sanh trong thời Hạ Nguơn Mạt kiếp, và cũng do sự mơ ước của nhơn sanh nên Ðức Chí Tôn cũng mở ra con đường tu luyện gọi là con đường thứ ba của Ðại Ðạo, bằng cách trao Bí pháp Luyện đạo cho Ðức Phạm Hộ Pháp để Ngài truyền lại cho những người nào có đủ Tam Lập (Lập Ðức, Lập Công, Lập Ngôn) trong việc phụng sự chúng sanh. Bí pháp luyện đạo được thực hành trong Tịnh Thất mà Ðức Phạm Hộ Pháp đã cho xây dựng ba Tịnh Thất là: Trí Huệ Cung, Trí Giác Cung và Vạn Pháp Cung.

Bí pháp nầy dạy luyện Tam Bủu Tinh Khí Thần hiệp nhứt, tức là: Luyện Tinh hóa Khí, Luyện Khí hiệp Thần, Luyện Thần huờn Hư. Lúc đó thì Tam Huê tụ đảnh, Ngũ Khí triều nguơn, tạo thành Thánh Thai, đắc đạo thành Tiên Phật tại thế.

Tóm lại, Bí pháp của Ðạo Cao Ðài do Ðức Chí Tôn nắm giữ. Ðức Chí Tôn mở Bí pháp theo hai con đường tu:
 
admin Friday, 05-08-2022, 1:35 PM | Message # 7
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
Con đường chánh yếu là Dâng Tam Bửu cho Ðức Chí Tôn để Ðức Chí Tôn dùng làm phương tiện phụng sự vạn linh. Con đường nầy là lập công trong CTÐ hay CQPT.

Chỉ cần làm trọn vẹn bao nhiêu đó trong suốt kiếp sanh gặp Ðạo thì đủ để thoát khỏi luân hồi, được Ðức Chí Tôn rước về hội hiệp cùng Ngài.

Con đường tu luyện: Ðức Chí Tôn trao Bí pháp luyện đạo cho Ðức Phạm Hộ Pháp để truyền lại cho những vị nào đã thực hành đủ Tam Lập, tịnh luyện trong Tịnh Thất để luyện Tam bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt, đắc đạo tại thế.

Những môn đệ muốn đủ Tam Lập thì phải qua một thời gian phụng sự vạn linh tức phải làm công quả phổđộ nhơn sanh.

Trong Ðạo Cao Ðài, Ðức Chí Tôn cấm hẳn lối tu "độc thiện kỳ thân", một lối tu ích kỷ, chỉ biết lo riêng cho mình.

Như vậy, Thể pháp và Bí pháp của Ðạo Cao Ðài đều đặt việc Phụng sự Vạn linh lên trên hết, luyện đạo chỉ là phụ thuộc. Ðắc đạo cùng chăng là do công quả Phụng sự Vạn linh.

Trong một phương diện khác, Bí pháp còn được định nghĩa là các phép Bí tích, tức là những phép thuật huyền diệu, những Chơn pháp bí truyền, có tác dụng về phương diện thiêng liêng để cứu giúp linh hồn. Các Phép Bí tích nầy được Ðức Hộ Pháp và Thập nhị Thời Quân truyền cho các Chức sắc đi hành đạo nơi các địa phương, hộ trợ cho công cuộc phổ độ nhơn sanh cho được nhanh chóng và hiệu quả, như các Phép Bí tích: Giải Oan, Tắm Thánh, Phép Xác, Ðoạn Căn, v.v... (Xem chữ: Bí tích)

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
TNHT. I. 34: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển I trang 34.
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
BQÐ: Bát Quái Ðài.
CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.
 
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: