阿難
A-Nan là nói tắt của tiếng A-Nan-Ðà, do chữ Phạn là ANANDA, Hán văn dịch là Khánh Hỷ, vì Ông A-Nan được sanh ra vào ngày Ðức Phật Thích Ca thành Ðạo, dân chúng đều vui mừng, nên cha mẹ của Ngài đặt tên Ngài là Ananda, nghĩa là khánh hỷ. Như vậy, Ngài nhỏ hơn Phật Thích Ca 35 tuổi.
A-Nan là con của Hộc Phạn, em ruột của Ðề-Bà-Ðạt-Ða, và cũng là em bà con chú bác với Ðức Thích Ca.
Ngài có nhiều tướng tốt, thông minh tuyệt vời, có một trí nhớ tuyệt hảo. Ðến năm 25 tuổi, A-Nan xin xuất gia theo Phật Thích Ca. Ngài làm Thị giả, hầu cận bên Ðức Phật suốt 20 năm, nên đã nghe và ghi nhớ được tất cả những bài thuyết pháp của Phật. Phật Thích Ca khen Ngài A-Nan: "Thị giả của các Ðức Phật thời quá khứ, không ai hơn A-Nan, Thị giả các Ðức Phật thời vị lai cũng không ai hơn A-Nan.”
A-Nan là người rất quan tâm đến việc mở rộng Phật giáo cho Nữ phái tu học, nhưng Ðức Phật Thích Ca chưa chấp thuận.
Một hôm, A-Nan đi khất thực về đến Tịnh Xá thấy Bà Ma-Ha Bà-Xà-Ðề (dì ruột và cũng là mẹ nuôi Thái Tử Sĩ-Ðạt-Ta) đang đứng tựa cửa khóc, áo quần đầy bụi, chân dính bùn dơ. Ngài hỏi duyên cớ. Bà cho biết Bà từ xa đi bộ đến tìm Phật xin qui y, năn nỉ đôi ba phen mà Phật không chấp thuận.
A-Nan rất cảm động, liền vào làm lễ Phật và xin Phật cho Bà xuất gia. Phật vẫn từ chối mà không nói lý do.
A-Nan vẫn kiên trì cầu xin nhiều lần sau nầy cho được mới thôi. Cuối cùng thì Ðức Phật cũng phải chấp nhận cho Bà di mẫu xuất gia, lập thành Giáo hội Tỳ Kheo Ni. Sau nầy, toàn thể Giáo hội Tỳ Kheo Ni đều hết lòng biết ơn A-Nan.
Phật cho biết, đối với Nữ phái, không phải Phật không từ bi, nhưng nếu Phật không cho Nữ phái xuất gia thì Chánh Pháp của Phật tồn tại được 1000 năm, nay cho Nữ phái xuất gia thì Chánh Pháp của Phật chỉ tồn tại 500 năm mà thôi.
Ngài A-Nan hỏi Phật về cách đối đãi với Nữ phái:
- Bạch Phật, chúng tôi phải đối xử với Nữ phái thế nào?
- Nầy A-Nan, dường như không thấy.
- Nhưng đã thấy rồi thì chúng tôi phải làm thế nào?
- Nầy A-Nan, không nên nói chuyện.
- Nhưng nếu được hỏi thì chúng tôi phải làm thế nào?
- Nầy A-Nan, cẩn thận đề phòng, giữ vững Chánh niệm.
Khi Ðức Phật sắp nhập Niết Bàn, Ðức Phật gọi Ma-Ha Ca-Diếp đến, truyền Y Bát cho làm Nhứt Tổ, và Phật dặn về sau sẽ truyền cho A-Nan làm Nhị Tổ.
Khi Nhứt Tổ Ma-Ha Ca-Diếp đem Chánh pháp nhãn tạng truyền lại cho A-Nan làm Nhị Tổ, có nói bài kệ:
Pháp pháp bổn vô pháp,
Vô pháp vô phi pháp,
Hà ư nhứt pháp trung,
Hữu pháp hữu phi pháp?
Dịch nghĩa:
Các pháp gốc không pháp,
Không pháp, không phi pháp,
Tại sao trong một pháp,
Có pháp, có phi pháp?
Về sau, Nhị Tổ A-Nan chọn người học trò xuất sắc là Thương-Na-Hòa-Tu, để truyền Y Bát, nên gọi đến nói rằng:
Xưa, Ðức Thế Tôn đem Chánh pháp nhãn tạng phú thác cho sư huynh ta là Ma-Ha Ca-Diếp làm Nhứt Tổ, sau Nhứt Tổ truyền lại cho ta. Nay ta phú chúc lại cho ngươi làm Tam Tổ. Vậy ngươi phải hết lòng trân trọng, thọ trì xiển dương Phật pháp hóa độ chúng sanh. Hãy nghe kệ mà ấn tâm:
Bổn lai truyền hữu pháp,
Truyền liễu ngôn vô pháp,
Các các tu tự ngộ,
Ngộ liễu vô vô pháp.
Dịch nghĩa:
Xưa nay truyền có pháp,
Truyền rồi nói không pháp,
Thảy thảy tu tự ngộ,
Ngộ rồi không không pháp.
Ngài A-Nan dùng thuyền ra giữa dòng sông Hằng, nhập Niết Bàn. Ngài dặn đệ tử rằng: Khi thiêu xác ta thì chia xá lợi ra làm 4 phần: Một phần giao cho cõi Trời Ðạo Lỵ, một phần giao cho Long Vương, một phần giao cho vua A-Xà-Thế, một phần giao cho vua Tỳ-Xá-Ly, để xây tháp cúng dường.
Lúc sinh thời, Ngài A-Nan nổi tiếng là đa văn quảng kiến, có trí nhớ tuyệt vời, làm Thị giả cho Phật suốt 20 năm, được Phật khen ngợi, nhờ vậy mà Ngài đọc lại rất đúng lời Phật dạy trước 500 vị A-La-Hán, kết tập chép ra thành Kinh Tạng. Ngài cũng là ân nhân của Giáo hội Tỳ Kheo Ni.
KCK: Phật cáo A-Nan ngôn thử kinh Ðại Thánh....
KCK: Kinh Cứu Khổ.