5. Thuyết đạo tại Kim Biên : Mật thiết Triết lý của Đạo CĐ.
Ngày 11-7-Bính Tý (dl 27-8-1936) THUYẾT ĐẠO của ĐỨC HỘ PHÁP
đọc tại Thánh Thất Kim Biên
giảng về : Mật thiết Triết lý của Đạo Cao Đài.
Bần đạo muốn giảng điều siêu việt về tinh thần đạo đức, hầu tóm cả chơn lý của các tư tưởng đối cùng Đức Chí Tôn, nhưng e cho sự cao siêu mầu nhiệm ấy nó sẽ quá sức cho sự đoán xét của thính giả mà biến thành ra tuồng mộng ảo, nên quyết lấy cái thiết thực hiển nhiên của Đạo đối cùng Đời đương giữa cơn tinh thần phát triển, sưu tầm một mối tư tưởng phù hạp với trình độ trí thức nhơn sanh, đương nhiên hầu giúp hay cho bực cố tâm tầm Đạo.
Những cơ quan và những hành vi hiện tượng của các tôn giáo đương nhiên ngày nay như dường biến thành cổ vật, nên đã mất cái hay để giúp đời tự trí, tự giác, tâm hồn thiếu ơn an ủi, tư tưởng mất phép chuẩn thằng, trí thức không phù hạp hành động, biểu sao đời không trở nên một trường náo nhiệt rắc rối khó khăn, rồi giục cho cả nhơn sanh dong ruổi trên con đường duy vật mà quên hẳn cái quyền vi chủ của trí thức tinh thần.
Ôi ! Thử nghĩ cái ngày nào trí thức tinh thần đã tiều tụy thì cái lương tri lương năng cũng do đấy mà tiêu tàn thì con người đứng giữa cõi trần hoàn nầy phải trở nên bao nả ?
Chúng ta duy buộc phải trả lời rằng : Luật thiên nhiên tự bảo nó sẽ buộc mỗi cá nhân chuyên chú về sự sống. Hại thay, cái sống ấy do nơi phép duy vật mà lưu tồn thì con người chỉ sống hèn như con vật mà thôi.
Bần đạo chẳng cần luận thuyết chi sự phân biệt xa cách nhau như trời với vực giữa vật chất và tinh thần, thì như thính giả cũng dư hiểu : Hễ vật chất hữu bổn nguyên, hữu định thể; còn tinh thần thì tự chủ tự do.
Ấy vậy, vật chất có giới hạn, chớ tinh thần vốn không giới hạn.
Chúng ta lại thầm hiểu rằng : mỗi điều chi hữu bổn hữu nguyên hữu định thể thì cái sự lớn nhỏ của nó, dầu hình dầu bóng tùy theo mặt luật pháp định hành tàng. Hễ có bổn nguyên ắt có xứ sở cội nguồn, có định thể ắt có khuôn viên sắc tướng.
Nói tóm tắt, hễ vật thì có chủ. Ấy vậy, do quyền có chủ ấy nó giục thành một trường tranh đấu đua chen mà làm cho mặt thế biến thành chốn chiến trường náo nhiệt.
Sống của con vật là phải ăn mà sống, phải mặc mà sống, phải ở mà sống, sống một khuôn luật với sắt đá cỏ cây, côn trùng, điểu thú.
Nhơn loại đã nghịch lẫn nhau, tàn hại lẫn nhau, giết bỏ lẫn nhau, cũng do bởi chạy theo cái sống của con đường duy vật.
Trái lại, cái sống của tinh thần là sống tự chủ, tự quyền, thì cái sống ấy không nguồn không cội, không luật, không hình, không bờ không cõi, sống theo gió theo mưa, theo Trời theo Đất, sống với càn khôn vũ trụ, sống với nhựt nguyệt tinh quang theo một khuôn luật với cái sống vô ảnh vô hình của các tư tưởng bậc Thánh hiền từ thượng cổ.
Cái sống của con vật thì chỉ có hai bữa ăn mà sống, còn cái sống của tinh thần vốn vô độ lượng. Cái sống của vật chất ở tại bụng, cái sống của tinh thần ở tại óc. Bụng với óc vẫn khác nhau thì hai cái sống ấy cũng khác nhau đặc biệt.
Cái vấn đề tương tranh của hai cái sống ấy, dầu cho trình độ trí thức nhơn sanh đặng cao siêu tăng tiến dường nào cũng chưa xử trí và giải quyết thế nào cho đích xác.
Dường như chúng ta phải biết hẳn rằng : Hễ bụng no thì óc rỗng, óc cứng thì bụng mềm. Cuộc tương tranh nầy chưa có một ông tòa nào nghị án nổi.
Ấy vậy, cái thuyết duy vật và thuyết tinh thần tự chủ đến chừ chưa có một tôn giáo nào cầm đủ quyền hành dung hợp.
Có tôn giáo thiên về mặt vô vi, phế vong hình thể, tức nhiên là đảng phái của tinh thần; lại cũng có thể nhiều tôn giáo khác bị xu hướng hữu hình, còn vô vi thì vong phế, là tức nhiên làm môn đệ của thuyết duy vật đã đành. Hai đảng phái ấy đương đấu đương tranh, đặng bia vào miệng thế tình những nẻo tà nẻo chánh. Cũng vì do nơi vật chất với tinh thần đã gây lắm điều quyền biến; một đàng là tôn chỉ luật điều tùng khuôn viên duy vật; một đàng thì cậy huyền diệu nhiệm mầu do tinh thần vi chủ.
Những nhơn sanh tùng hai lý thuyết ấy vốn phản khắc xa nhau dường như sao Khuê sao Dược.
Hỏi, đã có nảy sanh ra một Giáo Chủ nào đủ đức tánh, đủ quyền năng, đủ phép mầu, đủ trí huệ làm cho hai đảng phái ấy dung hòa, mới mong mỏi đại đồng thế giới hay chăng ?
Nếu chúng ta để cho tịnh tâm tịnh trí đặng tầm chơn lý của hai lẽ ấy cho hẳn hòi, thì chúng ta dám cả tiếng phô rằng : Sự xung đột của hai tư tưởng ấy thật ra chưa đích đáng, chẳng qua là một trường tranh luận tình cờ của các tiên nhơn lưu hậu.
Dưới ngọn đuốc văn minh chiếu diệu soi huệ trí sáng ngời giữa thế kỷ 20 nầy, chúng ta đã thấy quả quyết sự tương hiệp thân thiết của cơ quan hình thể với tinh thần, thì chúng ta lấy làm ngạc nhiên cho sự quái dị cái nỗi phân chia của thuyết tinh thần đối cùng hình thể.
Chúng ta lại còn để tâm nghiên cứu nguyên do của hình vật tương phân bởi đâu mà sản xuất thì chúng ta lại thấy đặng bởi tư tưởng của Nho giáo và Đạo giáo mà nảy sanh, chẳng phải do nơi miệng của Đức Khổng Tử hay Đức Lão Tử mà ra, mà lại do bởi những thuyết của các môn đồ của đôi nhà luận bác.
Chưa có một quyền hành nào mà chia rẽ trí tuệ riêng ra hình vóc của con người, thì chưa có một quyền năng cả gan dám phân chia hình vật. Bởi vậy, tinh thần và hình thể vốn là hai bộ phận cần yếu trọng hệ của kiếp con người. Nếu chiếu theo phép thiên nhiên thì đôi bên đồng một bổn, hễ có xác không có trí thì điên, hễ có trí không thân thì dị.
Đời là hình duy vật, Đạo là bóng của trí thức tinh thần. Vậy thì phép Đời, Đạo vốn đồng, cơ tạo thế phải có công Đời cùng nghiệp Đạo.
Đạo Cao Đài là một tôn giáo do do lương tâm vi bổn, lấy cả triết lý của toàn cầu làm căn, hầu làm trung gian cho các tư tưởng hiệp đồng đặng dìu dắt nhơn sanh hồi thiện.
Ngoài ra pháp luật định quyền luật của thiên lương thì để cho mỗi cá nhân đặng tự do tư tưởng.
Chẳng cần luận giải, chư thính giả cũng đủ biết rằng : cái tư tưởng vốn vô cùng, chiều theo thời thế của Đời đặng nâng đỡ trí thức của nhơn sanh tạo thời cải thế. Nếu hiểu rằng nghĩa lý của Đạo là đường duy nhứt của tâm lý nhơn sanh, ắt phải nhìn nhận rằng : phải để cho tinh thần đặng tự do tín ngưỡng, miễn là làm thế nào cho Đạo thuận cùng Đời, Đời không nghịch Đạo, mới gọi là lý thuyết cao siêu làm cho thái bình tâm lý.
Thái bình tâm lý đặng mới làm cho thái bình thiên hạ đặng, thái bình thiên hạ đặng mới làm cho đại đồng thế giới đặng.
Giữa buổi toàn cầu đương xôn xao chen lấn trong bước tấn bộ văn minh, loạn hàng thất thứ, tùy theo tài lực của mỗi nước trong vạn quốc có văn hóa, có dã man, có tài hay, có tục dở, phẩm giá vốn không đồng, nếu lấy giá trị hữu hình của nước đặng định phân thì ắt khó mong làm cho cả nhơn sanh hiệp chủng.
Tài lợi không đồng, phương diện không đồng, xã tắc không đồng, tức nhiên buộc chánh trị cũng không đồng, cái chánh sách hiệp quốc hiệp quần chưa đủ kế hay mà vĩnh thủ.
Xin nói hẳn rằng, nếu giá trị hữu hình của vạn quốc toàn cầu đặng định nặng nhẹ thấp cao thì là phép giục thêm hại, so hơn tính thiệt. Tưởng khi đều cho nhà chánh trị đại tài nào bôn xu trên con đường vật chất, mong mỏi cho thiên hạ hòa bình thì tỉ chẳng khác đem cung trăng thay mặt đất, chẳng qua lập phương lừa dối lẫn nhau, mượn chước khéo đặng tranh quyền giữ thế.
Ngày nào cả nhơn sanh biết rằng cả con người chẳng phải sanh ra để vụ tất lấy cái sống theo con vật gọi là phúc hạnh khéo khôn, trái lại phải coi mạng sanh là báu trọng, biết kính nể nhau, biết thương yêu nhau, biết binh vực nhau, biết nuôi nhau, lại lấy phận sự cao thượng ấy đặng làm cái Đạo của người thì ngày ấy là ngày của toàn nhơn sanh đều hạnh phúc.
Tưởng lại, tương lai của Đạo Cao Đài do nơi cái sở hành và cái tư tưởng cao thượng của nó, ngày nay nó có thể hứa với nhơn sanh rằng : Chúng ta sẽ hưởng điều hạnh phúc ấy./.