XÁC HỒN
Con người vẫn có hai phần, phần hồn và phần xác.
Phần xác:
Tuy mắt phàm coi thân hình như một, chớ kỳ trung bổn thân là một khối chất chứa vàn vàn, muôn muôn sanh vật. Những con sanh vật ấy lại câu kết nhau mà thành khối. Chúng nó nhờ vật thực của ta ăn vào mà lớn lần lần, mà sanh sanh hóa hóa thêm nữa. Vì vậy mà thân thể một đứa hài nhi càng bữa càng lớn lần cho tới tuổi trưởng thành mới thôi (Ấy là giới hạn thước tấc của hình vóc con người).
Con người càng già, thì ngũ tạng lục phủ càng suy, tinh thần hao kém, sự ăn uống một ngày một giảm. Những con sanh vật trong châu thân cũng nhơn đó mà gầy mòn, mà hễ chúng nó gầy mòn, thì thân thể con người tất phải xóp ve, gầy guộc. Có khi những con sanh vật của một phần trong châu thân, vì một duyên cớ chi mà chết đi, thì chỗ ấy phải trở nên tê bại, hay là chai, vì đã mất sự sống rồi.
Khi chết, xác phải tiêu diệt, rục rã ra, chơn linh của mấy con sanh vật ấy lìa khỏi xác mà trở về nơi không khí. Ấy là: Của đất trả về cho đất, của Trời trở lại nơi Trời.
Phần hồn:
Hồn là vật thiêng liêng (*1) do nơi khối linh quang của Tạo Hóa ban cho.
Có kẻ cừ khôi không chịu tin có phần hồn, cứ nói rằng con người biết nghĩ suy, tính toán là tự nơi cái óc mà ra, mà hễ thác rồi, thì vạn sự giai hưu, một kiếp thác là một kiếp mất, cái linh hồn và cảnh Thiên đàng Ðịa ngục là điều vô bằng cớ.
Kẻ ấy chẳng hiểu rằng cái óc chẳng khác nào một cái máy đánh chữ của linh hồn lợi dụng mà tỏ ra những điều tư tưởng, những nét buồn vui, thương ghét vậy thôi. Hồn tức thị là người đánh máy ấy. Có máy mà chẳng có người đánh thì làm sao ra chữ được? Có xác thịt (có óc) mà không hồn, thì làm sao biết nghĩ suy tính toán? Kìa một cái chuông treo giữa gió: Như gió thổi làm cho chuông vận động mà kêu, thì bất quá là kêu bòn bon inh ỏi vậy thôi, có đâu ngân giọng u minh, khoan nhặt? Muốn cho tiếng chuông u minh khoan nhặt, cần có tay người dộng vào mới được. Cái óc con người chẳng khác nào cái chuông ấy. Nếu không có linh hồn là người dộng chuông, thì đâu lộ ra được nhiều tư tưởng ly kỳ cao thượng.
Con người nhờ có linh hồn mới biết nghĩ suy, tính toán, thương ghét, buồn vui. Vậy hỏi chớ khi chung cuộc rồi (khi thác) cái điểm linh ấy đi đâu? Không lẽ mà mất đi được? Vậy chẳng là uổng công trình của Tạo Hóa nắn đúc cho mình lắm ư? Ấy vậy, cái linh hồn ấy phải sống đời đời kiếp kiếp (*2) rồi ra mới có Luân Hồi, Quả Báo là lẽ công bình thiên nhiên của Tạo Hóa.
Trong châu thân, hồn xác pha lẫn nhau. Tỉ như muốn làm xi măng ạt mê (ciment armé) phải trộn sạn và ciment lộn nhau, đoạn phải trộn nước vào mới đánh thành khối được. Châu thân chẳng khác chi khối xi măng ạt mê đó. Sạn ấy là xương, xi măng là thịt, nước là hồn.
Ví dụ một cái ly không, tuy vân mắt thường ta thấy trống không, chớ hẳn thật trong lòng ly chứa đầy không khí. Châu thân ta ví như cái ly: Linh hồn ta như không khí. Ta không thấy không khí trong ly như ta không thấy đặng phần hồn trong châu thân vậy.
Muốn cho nước trong đặng tinh khiết, cái ly cần phải tinh khiết, còn muốn cho linh hồn trong sạch châu thân cần phải trong sạch. Ðó là về phần tinh khiết mà thôi. Chớ không cần phải có một châu thân tráng kiện mới có linh hồn tráng kiện, vì ta thường thấy nhiều người hình thù tráng kiện mà trí thức tối tăm, còn kẻ thì hình vóc ốm o mà thông minh trí tuệ. Cái châu thân tráng kiện bất quá là cần ích cho cơ thể mà thôi, chớ chẳng ích chi cho phần hồn. Châu thân tráng kiện tỉ như một cái máy tốt và chắc chắn, máy chắc chắn thì lâu hư, thân thể tráng kiện thì lâu tiêu diệt, mà có tiêu diệt thì tiêu diệt phần xác vậy thôi, chớ phần hồn chẳng hề tiêu diệt.
Phần bổ dưỡng linh hồn chẳng do nơi vật thực hữu hình. Hồn vẫn không hình chất, nên phải dùng vật thực không hình chất mà bổ dưỡng. Vật thực không hình chất ấy tức là sự học hỏi và cách tịnh luyện tinh thần trong mấy cơn nhàn, khoảng vắng.
Phải hiểu rằng xác thịt tỉ như một cái nhà cho linh hồn ở tạm trong mỗi kiếp ngắn ngủn trên cõi trần này vậy thôi. Xác thịt nhờ khí huyết mẹ cha tạo thành, còn linh hồn thì do nơi Thiên tứ (Trời cho). Nếu linh hồn với xác thịt tự một gốc mà ra, thì tánh chất thông minh hay là u ám của con cháu phải do nơi cha mẹ, ông bà, nghĩa là hễ ông bà cha mẹ thông minh thì sanh ra con cháu thông minh, còn u ám thì sanh ra con cháu cũng đồng một thể.
Sự thật lại không phải vậy, vì có nhiều người u ám mà sanh ra con cháu thông minh trí tuệ. Cũng có người thông minh trí tuệ lại sanh ra con cháu ngu ngây, dại dột, thậm chí anh em vẫn một huyết mạch với nhau mà cũng còn có kẻ khôn người dại (*3). Cái xác thịt do nơi khí huyết cha mẹ tạo thành, thì vẫn do nơi xác thịt cha mẹ, nghĩa là cha mẹ yếu ớt bịnh hoạn sanh con yếu ớt bịnh hoạn (*4), cha mẹ mạnh khỏe thì sanh con mạnh khỏe.
(*1) Thiêng liêng là không thấy, không nghe, không rờ được.
(*2) Nhiều Ðạo Thần Linh đã dùng đồng tiền và cơ bút chứng chắc rằng linh hồn vẫn có và vẫn sống đời đời kiếp kiếp.
(*3) Con cái dầu có giống cha mẹ thì giống nơi vật chất mà thôi, vì vật chất do nơi khí huyết lưu truyền.
(*4) Tuy vậy chớ khi lớn lên, hình vóc con cái cũng có khi biến đổi khác hẳn với hình vóc sơ sanh là vì nhờ biết giữ vệ sanh và tập tành thể tháo.
Châu Thân Giải
http://caodaism.org/70/7005/ctg-biafoot2.htm