Cao: Ở trên cao, tài giỏi. Ðài: cái đài, cái tháp.
Cao Ðài là một cái đài cao nơi Linh Tiêu Ðiện trong Ngọc Hư Cung ở cõi thiêng liêng, là nơi ngự của Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế mỗi khi họp Ðại hội Thiên Triều.
1. Vào năm 1927, trong một đàn cơ tại Cần Thơ, Ðức Chí Tôn giáng cho bài thi tứ tuyệt giải thích 2 chữ CAO ÐÀI:
| Linh Tiêu nhất tháp thị Cao Ðài, Ðại hội quần Tiên thử ngọc giai. Vạn trượng hào quang tùng thử xuất, Cổ danh bửu cảnh Lạc Thiên Thai. |
Nghĩa là: | Nơi Ðiện Linh Tiêu có một cái tháp gọi là Cao Ðài, Ðại hội các vị Tiên nhóm tại bệ ngọc ấy. Muôn trượng hào quang từ nơi đó chiếu ra, Tên xưa, cảnh quí báu đó là Lạc Thiên Thai. |
2. Danh xưng CAO ÐÀI cũng được Ðức Chí Tôn Thượng Ðế giải thích trong bài Thánh Ngôn sau đây:
| Nhiên Ðăng Cổ Phật thị Ngã, Thích Ca Mâu Ni thị Ngã, Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã, Gia Tô Giáo Chủ thị Ngã, Kim viết CAO ÐÀI. (Trích trong Phổ Cáo Chúng Sanh) |
Nghĩa là: | Nhiên Ðăng Cổ Phật là Ta, Thích Ca Mâu Ni Phật là Ta, Thái Thượng Nguơn Thỉ là Ta, Gia Tô Giáo Chủ Jésus Christ là Ta, Nay gọi là Ðấng CAO ÐÀI. |
Do đó, từ ngữ CAO ÐÀI còn có ý nghĩa là Ðấng đã sản xuất ra các vị Giáo Chủ: Nhiên Ðăng Cổ Phật, Thích Ca Như Lai, Thái Thượng Ðạo Tổ, Jésus Christ. Ðó chính là Ðấng Ðại Từ Phụ của toàn cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật trong CKVT.
TNHT: | Cao Ðài tá thế đến phàm gian. Cao Ðài đứng chủ cả sanh linh. Có thương mới biết Ðấng Cao Ðài. |
3. Từ ngữ CAO ÐÀI được biết lần đầu tiên vào đêm 30-10-Ất Sửu (dl 15-12-1925) khi Ðấng A Ă Â giáng dạy ba vị phò loan: Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Vọng Thiên Cầu Ðạo. Ðấng A Ă Â dạy như sau:
Ngày mùng 1 tháng 11 nầy (dl 16-12-1925), tam vị phải VỌNG THIÊN CẦU ÐẠO, tắm gội cho tinh khiết, ra quì giữa Trời, mỗi vị cầm 9 cây nhang mà vái rằng: "Ba tôi là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, vọng bái CAO ÐÀI THƯỢNG ÐẾ ban ơn đủ phúc lành cho ba tôi cải tà qui chánh."
Ba ông không hiểu CAO ÐÀI THƯỢNG ÐẾ là ai, nhưng lịnh Ơn Trên đã dạy thì cứ thi hành.
4. Các đôi liễn có hai chữ CAO ÐÀI đứng đầu:
1) Ðôi liễn tiêu biểu của Ðạo Cao Ðài thường đặt ở các cửa đi vào Nội Ô Tòa Thánh hay cửa chánh các Thánh Thất:
| ◘ 高上至尊大道和平民主目 ◘ 臺前崇拜三期共享自由權 |
| ■ CAO thượng Chí Tôn Ðại Ðạo hòa bình dân chủ mục, ■ ÐÀI tiền sùng bái Tam Kỳ cộng hưởng tự do quyền. |
Nghĩa là: | ■ Ðấng Chí Tôn ở trên cao hơn hết, mở ra một nền Ðại Ðạo nhắm tới hòa bình và dân chủ. ■ Vái lạy kính trọng Ðấng Cao Ðài thời ÐÐTKPÐ, nhơn sanh cùng chung hưởng quyền tự do. |
Ðôi liễn Cao Ðài nầy của Ðức Lý Giáo Tông ban cho.
Thuở xưa, câu 1 của đôi liễn, chỗ chữ MỤC 目 là chữ CHÁNH 政, đối với chữ Quyền ở câu 2. Giáo Sư Thượng Latapie Thanh, người Pháp, sợ nhà cầm quyền Pháp đương thời hiểu lầm Ðạo Cao Ðài có chủ trương làm Chánh trị, tranh giành Chánh Quyền, là một điều không tốt đối với Ðạo, nên ông cầu xin Ðức Lý Giáo Tông chỉnh sửa lại.
Ðức Lý Giáo Tông liền giáng cơ sửa chữ CHÁNH thành chữ MỤC. Mục là con mắt, là hướng tới.
2) Ðôi liễn in nơi bìa của quyển Kinh Minh Sư từ bên Tàu truyền sang Việt Nam vào thời nhà Thanh:
| ◘ 高如北闕人瞻仰 ◘ 臺在南方道統傳 |
| ■ CAO như Bắc Khuyết nhân chiêm ngưỡng, ■ ÐÀI tại Nam phương Ðạo thống truyền. |
Nghĩa là: | ■ Cao như Huỳnh Kim Khuyết ở hướng Bắc, nhơn sanh đều chiêm ngưỡng, ■ Cái đài cao tại nước Việt Nam tượng trưng một nền Ðạo lớn thống quản tất cả và truyền bá khắp nơi. |