[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Archive - read only
Ban Thế Ðạo
trongtp Wednesday, 17-02-2010, 11:26 AM | Message # 1
Colonel
Nhóm: Postor
Bài viết: 164
Danh tiếng: 0
Ban Thế Ðạo là cơ quan đặc biệt do Ðạo Cao Ðài lập ra để tạo điều kiện cho những người tài giỏi đang phục vụ trong các cơ quan của quyền đời để họ lập công quả nơi cửa Ðạo.

Ý nghĩa của việc thiết lập Ban Thế Ðạo: "Có nhiều bậc ưu thời mẫn thế, sẵn có đạo tâm, giàu lòng nhân ái, muốn phụng sự Ðại Ðạo, nhưng còn ràng buộc trách nhiệm đối với quốc gia xã hội, chưa phế đời hành Ðạo được. Ban Thế Ðạo là nơi dụng hiền, tạo cơ hội cho những bậc có đạo tâm thực hành thiện nguyện ấy."

Ban Thế Ðạo được thành lập theo Thánh giáo của Ðức Lý Thái Bạch, Giáo Tông ÐÐTKPÐ, giáng cơ tại Giáo Tông Ðường đêm 3-12-Quý Tỵ (dl 7-1-1954), Phò loan: Phạm Hộ Pháp và Cao Tiếp Ðạo. Xin trích ra sau đây:

"Khi hôm qua có luận về Thế Ðạo, nên căn dặn phò loan đặng Lão giải nghĩa điều ấy.

Hộ Pháp đã hiểu tổ chức của Hội Thánh Thiên Chúa Giáo, có Chức sắc Thế Ðạo, pháp văn gọi rằng Dignitaires laïques.

Hiền hữu đã có phong phẩm HIỀN TÀI, sao không thêm 3 phẩm trên nữa cho đủ 4 như của họ.

Hộ Pháp bạch: - Xin Ngài chỉ rõ.

- Thêm vào 3 phẩm Thế Ðạo nầy: Quốc Sĩ, Ðại Phu, Phu Tử."

Như vậy, Ban Thế Ðạo có 4 phẩm Chức sắc:

Phẩm Hiền Tài, do Ðức Phạm Hộ Pháp lập ra.

Ba phẩm: Quốc Sĩ, Ðại Phu, Phu Tử, do Ðức Lý Giáo Tông lập ra.

Tuy Ðức Lý Giáo Tông và Ðức Phạm Hộ Pháp đã định ra như vậy từ ngày 7-1-1954, nhưng mãi đến 11 năm sau, Hội Thánh HTÐ mới lập Quy Ðiều cho Ban Thế Ðạo, được Ðức Cao Thượng Sanh ban hành ngày 28-2-Ất Tỵ (dl 30-3-1965), và sau đó lập Nội Luật Ban Thế Ðạo, được Ðức Cao Thượng Sanh ban hành ngày 27-11-Mậu Thân (dl 15-1-1969).

BẢN QUY ÐIỀU của Ban Thế Ðạo

Chương I: NHIỆM VỤ và PHẨM TRẬT
Chương II: HỆ THỐNG
Chương III: LỄ PHỤC
Chương IV: CẦU PHONG VÀO HÀNG THÁNH

BẢN QUY ÐIỀU của Ban Thế Ðạo do Hội Thánh HTÐ lập ra, được Ðức Phạm Hộ Pháp chấp thuận theo Thánh giáo ngày 9-2-Ất Tỵ (dl 11-3-1965) và được Ðức Cao Thượng Sanh ban hành ngày 28-2-Ất Tỵ (dl 30-3-1965).

Sau đây, xin chép lại Bản Quy Ðiều nầy.

QUY ÐIỀU
Thể theo tinh thần Thánh giáo của Ðức Lý Giáo Tông đêm mùng 3 tháng 12 năm Quý Tỵ (dl 7-1-1954) và theo tôn chỉ của ÐÐTKPÐ, Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh thành lập Ban Thế Ðạo, cốt yếu mở rộng trường công quả, tiếp đón những bực nhơn tài văn võ có khả năng phụng sự cho Ðạo mà không phế đời hành đạo.

Ban Thế Ðạo tức là cơ quan thuộc về phần Ðời, bắt nguồn từ cửa Ðạo, phát xuất làm dây nối liền cho Ðạo Ðời tương đắc tương liên, ngỏ hầu tạo lập một đời sống thanh bình cho nhơn loại trong thời chuyển thế.

Chương I: NHIỆM VỤ và PHẨM TRẬT
Chức sắc trong Ban Thế Ðạo có nhiệm vụ độ đời nâng đạo, hành sự trực tiếp với CTÐ về mặt chuyên môn trong xã hội, trực thuộc HTÐ chi Thế về mặt chơn truyền và luật pháp.

Ban Thế Ðạo gồm bốn phẩm: Hiền Tài, Quốc Sĩ, Ðại Phu, Phu Tử.

Những vị nào muốn được tuyển trạch vào Ban Thế Ðạo, phải có hai vị Chức sắc trong Ðạo tiến cử và phải nhập môn cầu đạo, khi được Hội Thánh chấp nhận vào hàng phẩm kể trên tùy địa vị ngoài đời của đương sự:

1. HIỀN TÀI: là bậc trí thức chọn trong hàng Ðạo hữu có văn bằng Trung Học Ðệ Nhứt Cấp hoặc văn bằng Sơ Học (Certificat d'Études Primaires) hồi xưa, hoặc trong hàng công tư chức bậc trung cấp nam nữ đương quyền từ 40 tuổi sắp lên, hay đã hồi hưu, hay trong hàng sĩ phu có Tú Tài Toàn phần từ 21 tuổi sắp lên và hàng sĩ quan từ Ðại úy sắp lên.

Ngoài ra, những vị có học lực khá, và có khả năng mở mang kinh tế, làm nên sự nghiệp như: Nghiệp chủ, Ðiền chủ, nhà Thầu khoán, đã có giúp ích cho Ðạo, có đủ bằng chứng, cũng được xin vào phẩm Hiền Tài.

Những vị 40 tuổi sắp lên được chọn vào phẩm Hiền Tài phải có thành tích lập công với Ðạo và đầy đủ hạnh đức.

Con nhà Ðạo dòng, khi xin gia nhập Ban Thế Ðạo, được miễn xuất trình Sớ Cầu Ðạo (con những vị Chức sắc tiền bối có công khai Ðạo lúc ban sơ).

Hai vị Chức sắc tiến cử phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với Hội Thánh về phương diện hạnh đức của người mình tiến cử vào Ban Thế Ðạo.

2. QUỐC SĨ: Những danh nhân được trạch cử vào hàng Quốc Sĩ phải có điều kiện sau đây:

Bậc Hiền Tài đầy đủ hạnh đức, đã dày công giúp Ðạo trợ Ðời, được công chúng hoan nghinh có văn bằng minh chứng.

Bậc nhân sĩ có công nghiệp vĩ đại đối với quốc gia dân tộc, có bằng chứng cụ thể đắc nhơn tâm.

Các Tổng Trưởng, Bộ Trưởng, Sứ Thần, Tướng Lãnh, và các vị Tiến Sĩ, Thạc Sĩ, có thiện tâm giúp Ðạo, kỳ công trợ đời.

3. ÐẠI PHU: Những danh nhơn được sắp vào hạng Ðại Phu là:

Bậc Quốc Sĩ đầy đủ hạnh đức, dày công giúp Ðạo về việc phổ thông giáo lý và giúp đời về mặt thâu phục nhơn tâm.

Những bậc có địa vị cao trọng trong nước như: Quốc Trưởng, Tổng Thống hay Thủ Tướng và các ân nhân của nhơn loại có thiện tâm giúp Ðạo và kỳ công trợ đời.

4. PHU TỬ: Những danh nhơn được sắp vào hàng Phu Tử là:

Bậc Ðại Phu đầy đủ hạnh đức, lại có công tế thế an bang.

Bậc vĩ nhân khổ hạnh phổ truyền Chơn giáo dìu độ toàn dân một nước hay nhiều nước.

PHƯƠNG THỨC CHỌN LỌC VÀ PHONG VỊ:

Hàng phẩm Hiền Tài do Hội Thánh HTÐ chọn lựa và tấn phong.

Các hàng phẩm Quốc Sĩ, Ðại Phu, Phu Tử do Hội Thánh HTÐ tuyển chọn và dâng lên quyền thiêng liêng phán định.

Chương II: HỆ THỐNG
Ban Thế Ðạo đặt Văn phòng Trung Ương tại Tòa Thánh Tây Ninh, và những Văn phòng địa phương tại các Châu và Tộc Ðạo.

Tại Trung Ương thì hành sự trực thuộc dưới quyền Hội Thánh HTÐ chi Thế.

Tại địa phương, Ban Quản Nhiệm địa phương hoặc Ðại diện Ban Quản Nhiệm địa phương hành sự trực tiếp với Ban Quản Nhiệm Trung Ương và tiếp xúc với Chức sắc CTÐ tại địa phương ấy về mặt Ðạo.

Chương III: LỄ PHỤC
- Lễ phục Hiền Tài: Áo tràng trắng, đầu bịt khăn đóng đen, mang dấu hiệu Cổ pháp Giáo Tông nơi ngực, thêm hai chữ HIỀN TÀI bằng quốc ngữ, trong giờ chầu lễ giữ địa vị trên phẩm Lễ Sanh dưới Giáo Hữu.

- Lễ phục Quốc Sĩ: Y như của Hiền Tài, Cổ pháp thêm hai chữ QUỐC SĨ, khi chầu lễ giữ địa vị trên phẩm Giáo Hữu dưới Giáo Sư.

- Lễ phục Ðại Phu: Y như của Quốc Sĩ, nhưng đầu bịt khăn đóng đen 9 lớp chữ Nhứt, Cổ pháp có thêm hai chữ ÐẠI PHU, khi chầu lễ giữ địa vị trên Giáo Sư, dưới Phối Sư.

- Lễ phục Phu Tử: Y như Ðại Phu, Cổ pháp thêm hai chữ PHU TỬ , khi chầu lễ giữ địa vị trên phẩm Phối Sư dưới Ðầu Sư.

Lễ phục của nữ phái y như nam phái, nhưng để đầu trần.

Về thế phục thì tùy ý, nhưng được mang phù hiệu theo đẳng cấp, nơi ngực bên trái.

Chức sắc Ban Thế Ðạo khi lãnh nhiệm vụ đặc biệt của Hội Thánh HTÐ và với sự chấp thuận của Hội Thánh HTÐ, được mang trường y sáu nút như Tiểu phục Chức sắc HTÐ, trong thời gian thi hành nhiệm vụ được giao phó.

Chương IV: CẦU PHONG VÀO HÀNG THÁNH
Chức sắc Ban Thế Ðạo muốn cầu phong vào hàng Chức sắc HTÐ hay CTÐ, phải nộp hồ sơ gồm có:

Chứng chỉ cấp bậc hiện tại do chi Thế cấp phát.

Tờ hiến thân trọn đời cho Ðạo.

Tờ khai lý lịch.

Tờ ước nguyện gìn giữ trai giới theo Luật pháp Ðại Ðạo.

Quyền phong vị vào hàng Chức sắc Thánh thể Ðức Chí Tôn tại thế do Hội Thánh HTÐ đề cử và dâng lên quyền thiêng liêng định đoạt.

Thể theo tinh thần Thánh lịnh của Ðức Hộ Pháp số 49 ngày mùng 1 tháng 6 năm Tân Mão (dl 4-7-1951) thành lập ngôi vị Hiền Tài trong cửa Ðạo, sau 5 năm công nghiệp có Bộ Pháp Chánh minh tra đủ lẽ, bậc Hiền Tài sẽ cầu phong vào hàng Chức sắc HTÐ hay CTÐ do thiêng liêng chỉ định.

Cũng như trên, bậc Quốc Sĩ, Ðại Phu và Phu Tử sẽ được cầu phong do quyền thiêng liêng định đoạt.

Khi đắc phong vào hàng Thánh rồi thì không còn phận sự trong Ban Thế Ðạo nữa và phải tuân y trọn vẹn TL và PCT.

Ngày sau, bổn Quy Ðiều nầy có thể bổ sung hay điều chỉnh tùy nhu cầu tiến hóa của nhơn sanh.

Quy Ðiều nầy đã được tu chỉnh do Hội Thánh HTÐ theo Vi Bằng số 10/VB ngày mùng 6 tháng 6 năm Kỷ Dậu (dl 19-7-1969) và được Ðức Hộ Pháp phê chuẩn do Thánh giáo đêm mùng 4 tháng 7 năm Kỷ Dậu (dl 16-8-1969).

_________________

NỘI LUẬT của Ban Thế Ðạo

Chương mở đầu
Chương I: TỔ CHỨC
Chương II: GIA NHẬP, NHIỆM VỤ, HOẠT ÐỘNG
Chương III: THĂNG THƯỞNG, KỶ LUẬT
Chương IV: TÀI CHÁNH
Chương V: SỬA ÐỔI NỘI LUẬT

Cách Tổ chức và Ðiều hành các hoạt động của Ban Thế Ðạo từ Trung ương đến Ðịa phương được qui định trong NỘI LUẬT của Ban Thế Ðạo, được Hội Thánh HTÐ duyệt phê.

Chiếu Vi Bằng của Hội Thánh HTÐ số 02/VB ngày 27 tháng 11 năm Mậu Thân (dl 15-1-1969), dưới quyền chủ tọa của Ðức Thượng Sanh. Nội Luật được tu chỉnh lần thứ nhì và ban hành cho toàn Ban Thế Ðạo tuân hành.

NỘI LUẬT
Chương mở đầu
"Ðạo không đời không sức, Ðời không Ðạo không quyền." Ban Thế Ðạo đặt căn bản và định phương hoạt động trên tư tưởng ấy. Ðạo lo cho phần hồn của chúng sanh, phổ độ nhơn sanh để sau khi trả xong nợ thế, trở về cõi TLHS, đồng thời Ðạo cũng chú trọng đến phần xác của con người, cải thiện xã hội nhơn quần ngay tại thế nầy.

Có nhiều bậc ưu thời mẫn thế, sẵn có đạo tâm, giàu lòng nhân ái, muốn phụng sự Ðại Ðạo nhưng còn ràng buộc trách nhiệm đối với quốc gia xã hội, chưa phế đời hành đạo được. Ban Thế Ðạo là nơi dụng hiền, tạo cơ hội cho những bậc có đạo tâm thực hành thiện nguyện ấy.

Ðó là ý nghĩa của sự thiết lập Ban Thế Ðạo. Ý nghĩa nầy được minh định trong bản QUY ÐIỀU.

Ban Thế Ðạo là cơ quan thuộc về phần đời, bắt nguồn và phát xuất từ cửa Ðạo, làm dây nối liền cho Ðạo Ðời tương liên tương đắc, ngỏ hầu tạo lập đời sống thanh bình cho nhơn loại trong thời Chuyển thế.

Như vậy, nhiệm vụ của Ban Thế Ðạo là tuân Thế Luật của Ðạo, đem công đức và giáo lý đạo hướng dẫn nhơn sanh trở về nguồn cội Ðạo, tô điểm cho nền Ðại Ðạo mỗi ngày một thêm huy hoàng.

Ðể đạt mục đích ấy, Hội Thánh mở rộng cửa Ban Thế Ðạo, đón nhận nhơn tài, chí sĩ đã có thành tích, lập công với Ðạo và giúp ích xã hội.

Nội Luật nầy được soạn thảo để qui định Tổ chức, Nhiệm vụ và Ðiều hành Ban Thế Ðạo theo những chương điều sau đây:

Chương I: TỔ CHỨC
Ðiều thứ nhứt: Ban Thế Ðạo thành lập do Thánh Lịnh số 01/TL ngày 28 tháng 2 năm Ất Tỵ (dl 30-3-1965) của Ðức Thượng Sanh thể theo Thánh giáo của Ðức Lý Ðại Tiên đêm mùng 3 tháng 12 Quý Tỵ (dl 7-1-1954), cơ quan nầy trực thuộc HTÐ, dưới quyền chưởng quản của một vị Thời Quân chi Thế HTÐ do Hội Thánh ủy nhiệm.

Ðiều thứ nhì: Ðể giúp ý kiến về sự điều hành công việc chung của Ban Thế Ðạo, Hội Thánh đề cử một Ban Cố Vấn mà thành phần gồm có: Chức sắc từ Giám Ðạo, Giáo Sư và Chơn Nhơn trở lên.

Ðiều thứ ba: Dưới quyền lãnh đạo của vị Chưởng quản Ban Thế Ðạo, một Ban Quản Nhiệm Trung Ương được thành lập để điều hành công việc của Ban Thế Ðạo, thành phần như sau:

1 Tổng Quản Nhiệm

1 Ðệ nhứt Phó Tổng Quản Nhiệm

1 Ðệ nhị Phó Tổng Quản Nhiệm

1 Thủ bổn

1 Trưởng Nhiệm Giáo lý

1 Trưởng Nhiệm Văn hóa

1 Trưởng Nhiệm Xã hội

1 Trưởng Nhiệm Quốc chính

1 Trưởng Nhiệm Kế hoạch và Tổ chức

1 Trưởng Nhiệm Kinh tài

1 Trưởng Nhiệm Ngoại vụ

1 Trưởng Nhiệm Thanh sát.

Ban Quản Nhiệm Trung Ương Ban Thế Ðạo do Ðại hội toàn thể Chức sắc Ban Thế Ðạo bầu lên theo thể thức đơn danh, kín, đa số tương đối. Cuộc bầu cử đặt dưới quyền chủ tọa của vị Chưởng quản Ban Thế Ðạo, hoặc vị Chức sắc HTÐ đặc trách Ban Thế Ðạo nếu vị Chưởng quản bận việc, và một Ban Phụ tá do Ðại hội bầu cử gồm có:

1 Phụ tá Chủ tọa

2 Thơ ký

2 Kiểm soát viên.

Thành phần Ban Quản Nhiệm được bầu cử gồm: 1 Tổng Quản Nhiệm và 2 Phó Tổng Quản Nhiệm.

Sau khi đắc cử, 3 vị nầy trọn quyền tuyển chọn các vị Trưởng Nhiệm trong Ban Quản Nhiệm Trung Ương, trình danh sách lên vị Chưởng quản chấp thuận và Hội Thánh HTÐ chuẩn phê.

Nếu Ðại hội lần thứ nhứt không đủ 2/3 tổng số Chức sắc Ban ThếÐạo thì phải triệu tập lần thứ hai trong vòng một tháng và lần nầy Ðại hội đương nhiên hợp lệ bất cứ với tỷ số nào.

Về việc tính túc số Ðại hội, một hội viên hiện diện chỉ có quyền nhận một Ủy nhiệm thư của một Chức sắc Ban Thế Ðạo vắng mặt, nhưng khi biểu quyết và bỏ phiếu, vị hội viên hiện diện chỉ bỏ một phiếu cho phần mình.

Mỗi Chức sắc Ban Thế Ðạo có quyền ra ứng cử các chức vụ Tổng Quản Nhiệm, Ðệ I hoặc Ðệ II Phó Tổng Quản Nhiệm.

Các vị Chức sắc Ban Thế Ðạo có phẩm trật cao hơn vị Tổng Quản Nhiệm đắc cử, đương nhiên là cố vấn Ban Quản Nhiệm.

Nếu không có ứng cử viên, Ðại hội có quyền đề cử ứng cử viên. Tuy nhiên chức vụ Tổng Quản Nhiệm, Ðệ I hoặc Ðệ II Phó Tổng Quản Nhiệm là chức vụ rất quan trọng, hành động và tư cách của những vị đắc cử có liên quan đến uy tín và danh dự của Ban Thế Ðạo, nên khi đề cử ứng cử viên và biểu quyết, Ðại hội dựa vào 3 điều kiện:

Không can án Ðạo và Ðời.

Không bị ràng buộc vì chức vụ Ðời như công chức, quân nhân tại ngũ hay chức vụ chính trị khác.

Phải liên tục điều hành Ban Quản Nhiệm.

Trong trường hợp 2 ứng cử viên có số thăm đồng nhau thì vị nào cao niên hơn được đắc cử, trừ phi vị cao niên bằng lòng nhường lại cho vị nhỏ tuổi hơn,vị sau nầy mới được đắc cử.

Ðiều khoản dự liệu:

Trong trường hợp vì lý do gì không bầu được vị Tổng Quản Nhiệm, Ðại hội yêu cầu Hội Thánh HTÐ chỉ định một Chức sắc HTÐ kiêm nhiệm chức vụ Tổng Quản Nhiệm trong thời gian một năm. Vị Chức sắc nầy có nhiệm vụ tổ chức cuộc bầu cử lại vị Tổng Quản Nhiệm. Nếu cuộc bầu cử vẫn không kết quả, Ðại hội yêu cầu Hội Thánh HTÐ bổ nhiệm vị Chức sắc khác đảm trách chức vụ Tổng Quản Nhiệm, hoặc chỉ định vị Chức sắc đương kiêm tái nhiệm.

Trong trường hợp vị Tổng Quản Nhiệm vì một lý do nào không thể tiếp tục hành quyền, vị Chưởng quản Ban Thế Ðạo phải triệu tập Ðại hội bầu cử vị Tân Tổng Quản Nhiệm trong vòng 6 tháng để tiếp tục đến mãn nhiệm kỳ. Tuy nhiên, cuộc bầu cử nầy chỉ được thực hiện khi nhiệm kỳ còn lại tối thiểu 18 tháng. Nếu nhiệm kỳ còn lại dưới 18 tháng, vị Ðệ I Phó Tổng Quản Nhiệm được ủy nhiệm hành quyền Tổng Quản Nhiệm đến mãn nhiệm kỳ.

Ðiều thứ tư: Tổng Quản Nhiệm Ban Quản Nhiệm Trung Ương được quyền đề nghị một số nhân viên văn phòng. Những vị nầy là Chức sắc Ban Thế Ðạo do vị Chưởng quản bổ nhiệm. Ngoài ra mỗi vị Trưởng Nhiệm có quyền đề cử một hay nhiều Phụ tá Trưởng Nhiệm liên hệ. Các vị nầy sẽ được hợp thức hóa bằng một Sắc lịnh do vị Chưởng quản bổ nhiệm.

Ðiều thứ năm: Thành phần Ban Quản Nhiệm Ðịa phương và Hải ngoại cũng tổ chức như Trung Ương, tuy nhiên nhân số có thể giảm bớt tùy theo nhu cầu. Các Ban Quản Nhiệm Ðịa phương và Hải ngoại phải tuân hành chỉ thị của Ban Quản Nhiệm Trung Ương về mọi phương diện. Các Ban Quản Nhiệm Ðịa phương do một vị Ðệ I Phó Tổng Quản Nhiệm chủ tọa bầu cử. Ðịa phương nào chưa đủ 20 Chức sắc Ban Thế Ðạo thì chỉ có quyền cử một Ðại diện và một Phụ tá Ðại diện để trực tiếp thi hành chỉ thị của Ban Quản Nhiệm Trung Ương.

Ðiều thứ sáu: Nhiệm kỳ của Ban Quản Nhiệm Trung Ương là ba năm và có thể lưu nhiệm từng một năm do quyết định của vị Chưởng quản, tuy nhiên không được lưu nhiệm quá hai lần.

Do đề nghị của vị Chưởng quản, vì một lý do xác đáng, Hội Thánh HTÐ có thể giải tán toàn thể Ban Quản Nhiệm đương nhiệm. Trong trường hợp nầy, vị Chưởng quản với sự hộ trợ của Ban Cố Vấn sẽ đảm nhiệm điều hành Ban Thế Ðạo. Thời gian tối đa để thành lập Tân Ban Quản Nhiệm là 6 tháng.

Chương II: GIA NHẬP, NHIỆM VỤ, HOẠT ÐỘNG
Ðiều thứ bảy: Khi được tuyển trạch vào Ban Thế Ðạo, tùy theo công đức, tài năng và đạo hạnh, vị Chức sắc Ban Thế Ðạo tân phong được xếp vào một trong bốn phẩm tính từ dưới lên như sau:

Hiền Tài
Quốc Sĩ
Ðại Phu
Phu Tử
Ðiều thứ tám: Muốn vào Ban Thế Ðạo, đương sự phải lập hồ sơ cầu phong theo Quy Ðiều ấn định, trình lên vị Chưởng quản, do hai vị Chức sắc từ phẩm Giáo Hữu đương hành quyền Tòa Thánh Tây Ninh tiến cử. Những vị được tiến cử phải có thành tích lập công với Ðạo và đầy đủ hạnh đức.

Chức sắc Ban Thế Ðạo, sau thời gian một năm thọ phẩm không phạm kỷ luật, được cùng với một Chức sắc Hội Thánh tiến cử nhân tài gia nhập Ban Thế Ðạo.

Ðiều thứ chín: Nhiệm vụ của Chức sắc Ban Thế Ðạo về phương diện Chánh trị đạo.

Truyền bá giáo lý của Ðại Ðạo.

Bảo vệ và giúp đỡ tín đồ của Ðại Ðạo trong mọi hoàn cảnh.

Giúp ý kiến cho Chức sắc Hành Chánh Ðạo địa phương.

Ðề nghị với Ban Quản Nhiệm Trung Ương đệ lên vị Chưởng quản xin Hội Thánh điều chỉnh hoặc bổ túc phương châm hành đạo nơi địa phương cho thích hợp và hữu hiệu hơn.

Ðiều thứ mười: Nhiệm vụ của Chức sắc Ban Thế Ðạo về phương diện Chánh trị đời.

1.) Lập trường: Ban Thế Ðạo có nhiệm vụ thực thi Chính trị đời của Ðạo. Do đó, lập trường chính trị của Ban Thế Ðạo phải do Hội Thánh hoạch định, hoặc do Ban Thế Ðạo đề nghị và được Hội Thánh chấp thuận.

Ban Thế Ðạo không phải là một đảng phái chánh trị. Chức sắc Ban Thế Ðạo không có quyền tuyên bố bất cứ một đường lối chính trị nào của Ban Thế Ðạo mà không phù hợp với lập trường chung của Hội Thánh. Vị nào vi phạm điều nầy tức là vi phạm kỷ luật Ban Thế Ðạo sẽ bị xử theo điều 18 của Nội Luật nầy.

2.) Với tư cách một Chức sắc: Chức sắc Ban Thế Ðạo muốn tham chánh với danh nghĩa Chức sắc phải được sự đề nghị của vị Chưởng quản và sự chấp thuận của Hội Thánh HTÐ.

3.) Với tư cách cá nhân: Chức sắc Ban Thế Ðạo có thể tham gia các sinh hoạt lợi ích cho nhơn sanh trong mọi lãnh vực quốc gia, xã hội, miễn là không tương phản với chủ trương của Hội Thánh, nhưng phải trình báo cho Ban Quản Nhiệm Trung Ương và vị Chưởng quản.

Riêng đối với các chức vụ dân cử khi Ban Thế Ðạo chủ trương đưa người ra ứng cử tại một địa phương nào thì Chức sắc Ban Thế Ðạo muốn ra ứng cử tại địa phương đó, phải qua cuộc bầu cử nội bộ do Ban Quản Nhiệm Trung Ương tổ chức, có sự chấp thuận của vị Chưởng quản.

Ðiều thứ mười một: Nhiệm vụ của Ban Quản Nhiệm Trung Ương:

Thi hành các chỉ thị của vị Chưởng quản và Hội Thánh.

Phát triển và điều hành Ban Thế Ðạo.

Thực thi các chương trình đã được vị Chưởng quản chấp thuận.

Biểu quyết các kế hoạch đề nghị.

Ðiều thứ mười hai: Nhiệm vụ của các chức vụ của Ban Quản Nhiệm Trung Ương được ấn định như sau:

1. Tổng Quản Nhiệm:

Ðiều hành Ban Thế Ðạo theo đúng Quy Ðiều và Nội Luật của Ban Thế Ðạo.

Chịu hoàn toàn trách nhiệm với vị Chưởng quản.

Quản trị Hành chánh, Tài chánh của Ban Thế Ðạo.

Kiểm soát các Ban Quản Nhiệm địa phương hoặc Ðại diện Ban Quản Nhiệm T.Ư tại địa phương.

Có quyền phê xuất tối đa 20.000 $ 00. Trên số nầy, phải được sự chấp thuận của Ban Quản Nhiệm T.Ư.

Thủ bổn trực tiếp dưới quyền Tổng Quản Nhiệm.

2. Ðệ I Phó Tổng Quản Nhiệm:

Phụ tá Tổng Quản Nhiệm.

Ðiều hành công việc của 4 Trưởng Nhiệm: Kế hoạch và Tổ chức, Quốc chính, Kinh tài, Ngoại vụ.

Chủ tọa bầu cử Ban Quản Nhiệm địa phương hay Ðại diện.

Thay mặt Tổng Quản Nhiệm điều hành thường vụ khi vị nầy vắng mặt.

3. Ðệ II Phó Tổng Quản Nhiệm:

Phụ tá Tổng Quản Nhiệm

Ðiều hành công việc của 4 Trưởng Nhiệm: Giáo lý, Văn hóa, Xã hội, và Thanh sát.

Thay mặt Tổng Quản Nhiệm điều hành thường vụ khi vị nầy và vị Ðệ I Phó Tổng Quản Nhiệm vắng mặt.

4. Thủ bổn:

Lập và giữ số sách chi thu tài chánh của B.Thế Ðạo.

Giữ tối đa là 50.000 $ 00, trên số nầy phải gởi vào Hộ Viện hoặc Ty Ngân Khố.

Phiếu gởi và phiếu chi thu phải có chữ ký của vị Tổng Quản Nhiệm.

Tất cả sổ sách tài chánh phải có chữ ký kiểm soát hằng tháng của vị Trưởng Nhiệm Thanh sát.

Chịu trách nhiệm về kế toán và tài chánh của Ban Thế Ðạo và chịu sự kiểm soát của Ban Kiểm Soát Tài chánh của Hội Thánh.

5. Trưởng Nhiệm Giáo lý:

Soạn lập chương trình Giáo lý tại các Trung Tiểu học để dâng đề nghị lên Hội Thánh cứu xét.

Thành lập Thư viện để tập trung các tài liệu liên quan đến Giáo lý nền Ðại Ðạo.

Phát huy và phổ thông triết lý Ðại Ðạo trong nhơn sanh.

Nghiên cứu và xuất bản sách về Giáo lý và triết lý Ðại Ðạo.

Hằng tháng lập Bản Tin Tức nội bộ để phổ biến cho các Ban Quản Nhiệm và cơ quan Ðạo.

6. Trưởng Nhiệm Văn hóa:

Thành lập Viện Khảo Cổ, sáng tác và dịch thuật các sách Ðạo.

Tổ chức báo chí: Nhựt báo, Tuần báo, Ðặc san, Nguyệt san.

Phát huy và sưu tầm Sử liệu của Ðạo.

Nghiên cứu thành lập nhà Nội trú và các trường chuyên nghiệp cho học sinh Ðạo.

Lập kế hoạch trợ cấp học bổng cho học sinh nghèo học giỏi.

Vận động học bổng cho học sinh Ðạo ưu tú, nghèo, hiến thân đang học tại Ðại Học VN hoặc xuất ngoại.

7. Trưởng Nhiệm Xã hội:

Lo về Quan, Hôn, Tang, Tế.

Tổ chức cứu trợ.

Tổ chức Y Tế.

8. Trưởng Nhiệm Quốc chính:

Ðưa ý kiến về ảnh hưởng của tình hình chính trị đối với Ðạo và quốc gia.

Nghiên cứu và hội thảo về lập trường chính trị của Ðạo để có thể đệ trình lên Hội Thánh duyệt xét.

9. Trưởng Nhiệm Kế hoạch và Tổ chức:

Tổ chức nghi lễ khánh tiết của Ban Thế Ðạo.

Soạn thảo kế hoạch chung của Ban Quản Nhiệm.

10. Trưởng Nhiệm Kinh tài:

Tổ chức kinh tế cho Ban Thế Ðạo: Nông, Công, Thương và Kỹ nghệ.

Hoạt động tài chánh cho Ban Thế Ðạo.

Quản trị các bất động sản và động sản của Ban Thế Ðạo.

11. Trưởng Nhiệm Ngoại vụ:

Liên lạc với các Ban Quản Nhiệm Ðịa phương và Hải ngoại để tìm hiểu và giúp đỡ.

Liên lạc với chính quyền địa phương và trung ương khi có ủy nhiệm của Chưởng quản Ban Thế Ðạo.

Liên lạc với các đoàn thể và tôn giáo bạn để gây tình thông cảm.

Liên lạc với các cơ quan ngoại giao khi hữu cần và với sự ủy nhiệm của Hội Thánh.

12. Trưởng Nhiệm Thanh sát:

Kiểm soát và đôn đốc Chức sắc Ban Thế Ðạo thi hành Nội Luật.

Kiểm soát và đôn đốc về hoạt động của các Ban Quản Nhiệm địa phương hay Ðại diện Ban Quản Nhiệm T.Ư. tại địa phương.

Kiểm soát và khuyến khích Chức sắc Ban Thế Ðạo giữ gìn Luật Ðạo.

Kiểm soát tài chánh và tài sản của Ban Thế Ðạo.

Ðiều thứ mười ba: Văn phòng Ban Quản Nhiệm T.Ư đặt tại Tòa Thánh Tây Ninh và làm việc theo ngày giờ của Hội Thánh. Văn phòng các Ban Quản Nhiệm khác nên đặt trụ sở tại các cơ quan Hành Chánh Ðạo địa phương do sự đồng ý của Khâm Châu Ðạo, tuy nhiên địa điểm có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh.

Ðiều thứ mười bốn: Ðại hội Chức sắc Ban Thế Ðạo mỗi năm họp một lần do vị Chưởng quản triệu tập vào thượng tuần tháng chạp âm lịch. Ban Quản Nhiệm họp mỗi tháng một lần do Tổng Quản Nhiệm triệu tập vào ngày Chúa nhựt cuối tháng âm lịch. Trong trường hợp đặc biệt, vị Chưởng quản có thể triệu tập Ðại hội bất thường.

Chương III: THĂNG THƯỞNG, KỶ LUẬT
Ðiều thứ mười lăm: Khi có công trạng đặc biệt, Chức sắc Ban Thế Ðạo sẽ được khen thưởng, thể theo đề nghị của Ban Quản Nhiệm T.Ư. và Chưởng quản.

Ðiều thứ mười sáu: Chức sắc Ban Thế Ðạo muốn cầu phong vào hàng phẩm Thánh thể Ðức Chí Tôn phải có 5 năm công nghiệp hành đạo không gián đoạn, được Bộ Pháp Chánh minh tra đủ lẽ theo điều kiện pháp định. Hồ sơ gồm có:

Ðơn xin cầu phong.

Chứng chỉ cấp bực hiện tại do chi Thế cấp phát.

Tờ hiến thân trọn đời cho Ðạo.

Tờ khai lý lịch, công nghiệp và tờ tánh hạnh có sự xác nhận của Tổng Quản Nhiệm và sự phê kiến của vị Chưởng quản.

Tờ ước nguyện giữ gìn trai giới theo Luật Ðạo.

Quyền phong vị vào hàng Chức sắc Thánh thể Ðức Chí Tôn do Hội Thánh HTÐ đề cử và dâng lên quyền thiêng liêng định đoạt.

Nếu cầu phong vào hàng Thánh thể, nguyên tắc đối phẩm sau đây sẽ được áp dụng:

Hiền Tài cầu phong Giáo Hữu.

Quốc Sĩ cầu phong Giáo Sư.

Ðại Phu cầu phong Phối Sư.

Phu Tử cầu phong Ðầu Sư.

Ðiều thứ mười bảy: Chức sắc Ban Thế Ðạo muốn cầu thăng theo phẩm vị của Ban Thế Ðạo từ dưới lên trên cũng phải đầy đủ điều kiện ghi ở điều 16, ngoại trừ việc lập tờ hiến thân phế đời hành đạo.

Sự cầu thăng hay tuyển trạch vào hàng Quốc Sĩ trở lên phải do quyền thiêng liêng định đoạt.

Ðiều thứ mười tám: Hội Ðồng Kỷ Luật.

Ban Thế Ðạo có một Hội Ðồng Kỷ Luật để phán quyết hình phạt đối với Chức sắc Ban Thế Ðạo vi phạm Luật Ðạo như: Tân Luật, Quy Ðiều, và Nội Luật Ban Thế Ðạo.

Thành phần Hội Ðồng Kỷ Luật gồm có:

1 vị Chủ Tọa: Lựa trong hàng Chức sắc Ban Thế Ðạo cao phẩm hơn can nhân, trường hợp chưa có Chức sắc cao phẩm hơn thì Chủ Tọa là một Chức sắc HTÐ cao phẩm hơn do vị Chưởng quản chỉ định.

2 vị Nghị Án: Chức sắc nầy đồng phẩm với can nhân.

1 vị Thư Ký chép án: Vị nầy có thể là một Chức sắc Ban Thế Ðạo hoặc vị Thư Ký Văn phòng Tổng Quản Nhiệm.

2 vị Nghị Án và Thư Ký cũng do Chưởng quản chỉ định.

Án lịnh của Hội Ðồng Kỷ Luật là chung thẩm nhưng phải có sự duyệt y của vị Chưởng quản mới được ban hành.

Hội Ðồng Kỷ Luật chỉ xét xử Chức sắc Ban Thế Ðạo khi phạm lỗi nhẹ như:

Tuyên bố về chánh trị sai với lập trường của Hội Thánh.
Lấy tư cách Chức sắc Ban Thế Ðạo đi dự hội với các đoàn thể, tôn giáo, hay các nhóm chính trị mà không có phép của Chưởng quản Ban Thế Ðạo.
Thất lễ với người trưởng thượng.
Bỏ bê phận sự hoặc bất tuân lịnh của Ban Quản Nhiệm Trung Ương.
Trong những trường hợp kể trên, vị Tổng Quản Nhiệm lãnh phần minh tra, đệ hồ sơ lên vị Chưởng quản để đưa nội vụ ra Hội Ðồng Kỷ Luật. Tùy theo trường hợp, can nhân có thể bị ngưng chức từ 1 tới 2 năm.

Hội Ðồng Kỷ Luật được triệu tập do quyết định của Chưởng quản Ban Thế Ðạo.

Ðiều thứ mười chín: Khi Chức sắc Ban Thế Ðạo phạm tội nặng hay tái phạm, vị Chưởng quản đệ trình lên Hội Thánh HTÐ để đưa ra Tòa HTÐ, chiếu theo Thập Hình của Ðức Lý Giáo Tông mà xét xử do sự minh tra và đề nghị của Bộ Pháp Chánh.

Chương IV: TÀI CHÁNH
Ðiều thứ hai mươi: Mỗi tháng, Chức sắc Ban Thế Ðạo chung đậu một số tiền nhiều ít do Ban Quản Nhiệm Trung Ương quyết định để giúp quỹ điều hành Ban Thế Ðạo.

Riêng ở địa phương, Ban Q.Nhiệm được quyền sử dụng 60% để điều hành, còn 40% để giúp Ban Quản Nhiệm T.Ư.

Ðiều thứ hai mươi mốt: Ngân quỹ của Ban Thế Ðạo sẽ được dùng vào việc tương trợ tang tế, tiếp tân, điều hành và phát triển các cơ sở của Ban Thế Ðạo.

Ðiều thứ hai mươi hai: Ban Thế Ðạo cũng có thể nhận sự trợ giúp của các nhà hảo tâm, không phân biệt Ðạo hay Ðời, gồm hiện kim, hiện vật, động sản và bất động sản.

Ðiều thứ hai mươi ba: Tài sản của Ban Thế Ðạo đương nhiên là tài sản của Hội Thánh ÐÐTKPÐ TTTN.

Chương V: SỬA ÐỔI NỘI LUẬT
Ðiều thứ hai mươi bốn: Ðể thích ứng với những tiến triển của tình thế nếu cần, Hội Thánh có thể sửa đổi một phần hay toàn phần Bản Nội Luật nầy.

Ngoài ra, 2/3 Chức sắc Ban Thế Ðạo trong Ðại hội thường niên hoặc bất thường cũng có thể đệ đạt ý kiến lên Hội Thánh để xin tu chỉnh Nội Luật.

Ngoài ra, các điều khoản khác không thay đổi.

Nội Luật Ban Thế Ðạo được Hội Thánh HTÐ duyệt y do phiên họp ngày 22 tháng 11 năm Ðinh Mùi (dl 23-12-1967) Vi bằng số 03/VB.

Nội Luật đã sửa đổi chiếu theo Vi bằng số 07/VB do phiên nhóm Hội Thánh HTÐ tại Giáo Tông Ðường ngày 30 tháng 2 năm Mậu Thân (dl 28-3-1968) dưới quyền chủ tọa của Ðức Thượng Sanh.

Nay chiếu Vi bằng Hội Thánh HTÐ số 02/VB ngày 27 tháng 11 năm Mậu Thân (dl 15-1-1969) dưới quyền chủ tọa của Ðức Thượng Sanh, Nội Luật được tu chỉnh lần thứ nhì và ban hành cho toàn Ban Thế Ðạo tuân hành.

Chủ Tọa: THƯỢNG SANH

_________________

Sau đây xin trích lời giáng dạy của Ðức Hộ Pháp về Ban Thế Ðạo trong đàn cơ tại Giáo Tông Ðường đêm mùng 4-7-Kỷ Dậu ( dl 16-8-1969) hồi 20 giờ 45 phút, Phò loan: Hiếp Pháp - Khai Ðạo. Hầu đàn gồm: Ðức Thượng Sanh, Ngài Hiến Ðạo, Bà Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu, cùng nhiều Chức sắc HTÐ và CTÐ.

H Ộ P H Á P
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

III. Ðức Thượng Sanh bạch:

- Bản Nội Qui Ban Thế Ðạo đã được Hội Thánh HTÐ tu chỉnh vài điều khoản để cho sự tuyển chọn Chức sắc Ban Thế Ðạo được thực hành kỹ lưỡng hơn, hầu gìn giữ chơn giá trị của Ban Thế Ðạo, xin dâng lên Ðức Ngài phê chuẩn.

- Cười . . . Cũng là việc hữu hình nữa, nếu các bạn để trọn tâm trí về việc ấy mà tu chỉnh thì phải hay thêm chớ sao. Vậy Bần đạo chấp thuận.

IV. Ðức Thượng Sanh bạch:

- Hội Thánh CTÐ còn thiếu Chức sắc cao cấp đầy đủ khả năng điều khiển, nên guồng máy Hành Chánh Ðạo không tiến triển khả quan.

- Cứ để vậy còn hơn là đem những phần tử đã kể là bất lực thì càng rối thêm.

Ðức Lý Ðại Tiên có thảo luận với Bần đạo về việc tuyển chọn Chức sắc cao cấp CTÐ thì nên tìm kiếm nhân tài trong hoặc ngoài Ban Thế Ðạo, sẵn lòng tình nguyện hiến thân phục vụ cho Ðạo, thì các bạn nên mời về tham khảo ý kiến, nếu được thì Ðức Lý Ðại Tiên đặc cách ân phong quyền tước để phụng sự có hiệu lực hơn. Các bạn đồng ý chăng?

Ðức Thượng Sanh bạch:

- Nếu áp dụng thể thức đó thì phải đợi thời gian mới tuyển chọn được nhơn tài sẵn lòng phục vụ. Tiểu đệ và các bạn HTÐ sẽ cố gắng thực hành lời chỉ giáo của Ðức Ngài.

- Chừng đó Bần đạo sẽ giúp đỡ các bạn thành lập đàn cơ nơi Cung Ðạo.

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chào các bạn. THĂNG.

Kể từ ngày Ðức Thượng Sanh ban hành Quy Ðiều Ban Thế Ðạo (Ngày 28-2-Ất Tỵ, dl 30-3-1965), Hội Thánh HTÐ đã tấn phong 5 đợt Hiền Tài, kể ra như sau:

* Khóa I: 57 vị,
tấn phong ngày 21-09-1966.
* Khóa II: 123 vị,
tấn phong ngày 30-12-1967
* Khóa III: 78 vị,
tấn phong ngày 15-02-1970.
* Khóa IV: 162 vị,
tấn phong ngày 19-04-1972.
* Khóa V: 286 vị,
tấn phong ngày 15-08-1973.
Tổng cộng:
706 vị
Hiền Tài đã được tấn phong.

Số người đã nạp hồ sơ cầu phong Hiền Tài nhưng chưa được tấn phong là: 424 vị.

Văn thư của Ngài Bảo Thế giải thích phù hiệu Hiền Tài:

HIỆP THIÊN ÐÀI ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
Văn Phòng (Tứ thập niên)
Thượng Sanh TÒA THÁNH TÂY NINH
-----
Số: 01/TL
--------------------------------------------------------------------------------

BẢO THẾ
Thừa quyền Thượng Sanh

Kính gởi: Quí vị Hiền Tài Ban Thế Ðạo.

Kính quí vị Hiền Tài,

Nhập vào Ban Thế Ðạo với phẩm Hiền Tài, quí vị đã lãnh phù hiệu để mang khi chầu lễ Ðức Chí Tôn và khi đi đường.

Tôi xin giải thích ý nghĩa của phù hiệu về sở dụng thiêng liêng và sở dụng phàm trần của nó cho quí vị tường lãm.

Số là Chức sắc Thiên phong CTÐ có nhiệm vụ trực tiếp với đời để độ đời vào cửa Ðạo nên cần thiết nhờ ba cổ pháp của Giáo Tông ủng hộ trong mọi hành tàng của mình.

Quí vị Hiền Tài còn một phần ở thế, nên phải tùng Chi Thế HTÐ, lại thêm có một phần tùng Ðạo nên vẫn gần Hội Thánh CTÐ, tức phải mang cổ pháp của Giáo Tông.

Một ngày kia, quí vị nào có đủ điều kiện muốn hiến thân trọn vẹn cho Ðạo thì được xin vào hàng Thánh CTÐ, cũng giữ luôn phù hiệu hiện hữu để bảo vệ mình về cả hai phần hữu hình và vô vi.

Ba cổ pháp của Giáo Tông là: Phất trần, Thư Hùng kiếm và Long Tu phiến.

Phất trần biểu hiệu sự quét sạch trược chất vấn vương lòng phàm. Thư Hùng kiếm là gươm thần huệ nghiêm trị xảo trá, khử trừ tà mị. Long Tu phiến xướng xuất khả năng mở vòng oan trái, đưa chơn linh tái nhập trường thi Tiên Phật.

Về sở dụng thiêng liêng, cả ba cổ pháp hiệp lại làm phép phò trì Thiên mạng và vì phép nầy sắc bén cả hai bề sống và lưỡi thì chẳng phải mang nó để làm đồ trang sức mà để làm khuôn luật khử ám hồi minh, nắm bổn chơn pháp.

Còn sở dụng phàm trần là phù hiệu có cái vi diệu đưa đời dành cho Ðạo một ý niệm sùng đạo và thân dân, và cũng đưa Ðạo dành cho đời tất cả tinh thần phục vụ.

Hiểu ý nghĩa siêu nhiên mầu nhiệm của phù hiệu, quí vị không còn thắc mắc khi mang nó vào thân và sẽ gặp nhiều may duyên trong nghiệp tương lai của quí vị về mặt đời lẫn mặt Ðạo.

Nay kính.

Tòa Thánh, ngày 2-9-Bính Ngọ (dl 15-10-1966).

BẢO THẾ, Thừa quyền Thượng Sanh.
LÊ THIỆN PHƯỚC (ấn ký)

_____________________

Thông Tri của Hội Thánh CTÐ về Tang lễ của Hiền Tài qui vị:

CỬU TRÙNG ÐÀI ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
Văn Phòng (Tứ thập lục niên)
Ngọc Ch.Phối Sư TÒA THÁNH TÂY NINH
-----
Số 14-NCPS/TT
--------------------------------------------------------------------------------

THÔNG TRI
Hội Thánh Cửu Trùng Ðài
Kính gởi: Khâm Trấn, Khâm Thành, Khâm Châu,
Ðầu Phận, Ðầu Tộc Ðạo và Chức việc Bàn Trị Sự NAM và TRUNG TÔNG ÐẠO.

Kính chư Hiền hữu,

Chiếu Vi Bằng số 6/VB phiên nhóm thu hẹp Hội Thánh Lưỡng Ðài Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện nam nữ tại Giáo Tông Ðường ngày 7-3-Tân Hợi (dl 2-4-1971) dưới quyền chủ tọa của Ðức Thượng Sanh, chưởng quản HTÐ, nơi khoản 3 quyết nghị 2 điều về việc đài thọ cấp táng phẩm Hiền Tài Ban Thế Ðạo khi qui vị như sau:

A. Chư vị Hiền Tài đã thật sự hiến thân phế đời hành đạo, có lãnh phận sự do Hội Thánh bổ dụng, khi qui vị, Hội Thánh mới đài thọ về phần cấp táng, còn vị nào mãi lo việc đời, không hiến thân hành đạo thì phần tổn phí về cuộc tống táng do gia đình người qui vị đài thọ.

B. Ngoài ra, vị Hiền Tài nào có ăn chay 10 ngày một tháng, do tờ chứng nhận của Bàn Trị Sự nơi đương sự cư ngụ, thì khi qui vị mới được Hội Thánh cho làm lễ theo phẩm Lễ Sanh (cúng tế, cầu siêu, chèo hầu tại Khách đình, an táng có bàn đưa 1 lọng và 2 lễ sĩ hầu tới huyệt). Còn vị nào không có ăn chay thì khi qui vị chỉ hành lễ Bạt tiến mà thôi (không có chèo hầu, không có bàn đưa 1 lọng và không có lễ sĩ hầu).

Ðể thi hành theo Vi Bằng chiếu thượng, chư Hiền hữu cần lưu ý và nhắc nhở Chức việc Bàn Trị Sự đương quyền hiểu biết thực hành khi gặp trường hợp nói trên thuộc phạm vi hành sự của các cấp Hành Chánh Ðạo địa phương cho châu đáo.

Quyền Thượng Thống Lại Viện thi hành và ban hành thông tri nầy đến các nơi rõ biết.

Nay kính.

Tòa Thánh, ngày 28-6-Tân Hợi (dl 18-8-1971).
THÁI CPS
(ấn ký)
Thái Bộ Thanh Q.THƯỢNG CPS
(ấn ký)
Thượng Tửng Thanh NGỌC CPS
(ấn ký)
Ngọc Nhượn Thanh
PHÊ CHUẨN:
ÐẦU SƯ
Ch. quản CTÐ nam phái.
(ấn ký)
Thượng Sáng Thanh
Vâng lịnh ban hành:
Nội Chánh, ngày 28-6-T.H.(18-8-71)
Q. Thượng Thống Lại Viện
Giáo Sư Ngọc Tịnh Thanh
(ấn ký)

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
TL và PCT: Tân Luật và Pháp Chánh Truyền.
TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.
ÐÐTKPÐ TTTN: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ Tòa Thánh Tây Ninh.

Message edited by trongtp - Wednesday, 17-02-2010, 11:45 AM
 
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: