[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Archive - read only
Trang tử
admin Saturday, 30-01-2010, 8:07 PM | Message # 1
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
Trang Tử là một nhà triết học nổi tiếng của Trung hoa, vào thời Chiến quốc, theo phái của Đức Lão Tử.

Sau đây là tiểu sử của Trang Tử:

Trang Tử, họ Trang, tên Chu hay Châu, hiệu là Tất Viên, người ở Ấp Mông, nước Lương (có sách chép là nước Tống), sanh nhằm cuối đời nhà Châu, làm một chức quan nhỏ nơi thành Tất Viên, nên người ta thường gọi ông là Tất Viên Lại, nhưng sau đó ông từ quan và lo học đạo.

Trang Tử là học trò xuất sắc của Đức Lão Tử, là một nhà đạo học lớn đứng sau Lão Tử. Trang Tử đã làm sáng danh giáo thuyết của Đạo gia, nên khi nói đến đạo Tiên thì người ta nói là Lão Trang (Lão Tử và Trang Tử).

Sách Kim Cổ Kỳ Quan của Bảo Ung chép rằng:

"Trang sinh thường ngủ ngày, mơ thấy hóa thành bướm, bay nhởn nhơ trong vườn cây hoa thơm cỏ lạ, trong lòng rất vui thích. Khi tỉnh dậy, vẫn còn cảm thấy ở vai như có hai cánh chuyển động, lấy làm lạ. Về sau cứ lâu lâu lại nằm mơ như thế.

Một hôm, Trang sinh đang ngồi trong phòng học nghe Đức Lão Tử giảng kinh Dịch, khi Đức Lão Tử giảng xong thì Trang sinh đem giấc mơ ra hỏi thầy. Lão Tử là vị Đại Thánh nhân, biết được lai lịch tiền kiếp, mới chỉ rõ túc thế căn do cho Trang sinh biết.

Trang sinh vốn là một con bướm trắng trong khi Hỗn Độn mới phân Trời Đất. Trời sinh nước, nước sinh cây, cây tươi hoa thạnh, con bướm trắng hút tinh chất của trăm hoa, đạt được tư chất của trăng sao, trở thành trường sanh bất tử, cánh lớn như bánh xe, sau bay đi chơi ở Diêu Trì, hút trộm nhị hoa Bàn Đào, bị con chim loan xanh giữ vườn Đào Tiên của Tây Vương Mẫu mổ chết. Hồn bướm thác sinh xuống trần làm Trang Châu.

Vì Trang sinh có căn khí khác phàm, đạo tâm kiên cố, thờ Lão Tử làm thầy, học theo đạo thanh tịnh vô vi, nay được Đức Lão Tử chỉ cho rõ căn cội, như mộng mới tỉnh, tự thấy hai nách sinh gió, mường tượng như bươm buớm vỗ cánh bay, nên coi sự còn mất, vinh nhục ở đời như nước chảy mây bay, không quan tâm đến nữa.

Lão Tử biết Trang sinh đã giác ngộ nên đem bí quyết của cuốn Đạo Đức Kinh năm ngàn lời truyền cho Trang sinh.

Trang sinh chuyên cần tụng tập tu luyện, bèn được phép phân thân ẩn hình, xuất thần biến hóa. Từ đó, Trang sinh từ giã Đức Lão Tử, phế bỏ việc đời, chu du hành đạo.

Tuy Trang sinh theo giáo lý thanh tịnh vô vi, nhưng không dứt bỏ bề nhơn đạo, nên liên tục ba lần lấy vợ: - Vợ thứ nhứt bị bịnh chết yểu. - Vợ thứ nhì phạm tội bị đuổi đi. - Hiện nay Trang sinh đang ở với người vợ thứ ba, họ Điền, là con gái của Điền Tề Hầu.

Nguyên Trang sinh sang chơi nước Tề, vua Tề rất trọng nhơn phẩm của Trang sinh nên gả con gái cho. Cô họ Điền nầy so với hai người vợ trước thì có nhan sắc hơn hẳn, nước da trắng như tuyết, dáng người tha thướt, phong cách như Tiên nữ. Trang sinh không phải là người háo sắc nhưng vợ chồng rất tương kính như cá gặp nước vậy.".......

Từ ngày biết đạo, Trang Tử thích sống cuộc đời ẩn sĩ thanh bạch, không chịu giam mình lòn cúi trong chốn quan trường, nhưng tài năng và đức hạnh của Trang Tử khiến cho các vua chư Hầu đem lòng ngưỡng mộ, muốn mời ông ra làm quan cho nước mình, nhưng Trang Tử đều cương quyết từ chối.

Chẳng hạn như việc Huệ Tử đang làm Tướng Quốc nước Lương, sợ Trang Tử ra tranh ngôi Tướng Quốc, nên sai kẻ thủ hạ đi lùng xét, làm khó dễ Trang Tử trong ba ngày đêm.

Trang Tử bảo Huệ Tử:

- Phương nam có con chim tên là Uyên sồ, ông có biết không? Nó từ biển nam bay qua biển bắc, không gặp hột luyện thì không ăn, không gặp nước suối ngọt thì không uống. Có con chim cú đang rỉa xác chuột chù, thấy nó bay ngang, ngửng lên nhìn nó rồi kêu to lên để dọa nó đừng đáp xuống. Nay ông vì ngôi Tướng Quốc mà dọa tôi chăng?

Sở Uy Vương rất ái mộ Trang Tử, muốn mời Trang Tử ra làm quan, nhưng Trang Tử nhứt quyết chối từ. Sách chép:

Trang Tử đang câu trên sông Bộc, Sở Uy Vương sai hai quan Đại phu đem lễ vật đến mời ông ra làm quan.

"Trang Tử đang cầm cần câu không nhúc nhích, cũng không thèm nhìn lại, nói:

- Tôi nghe vua Sở có con Thần qui 3000 năm đã chết. Vua Sở rất quí nó và cất trên miếu đường. Con qui ấy chịu chết để lưu lại cái xương cho người ta quí trọng, hay lại chịu thà sống mà kéo lê cái đuôi trong bùn?

Hai vị Đại phu đáp:

- Thà sống mà kéo lê cái đuôi trong bùn.

Trang Tử nói:

- Thôi, hai ông về đi, ta đây cũng chịu kéo lê cái đuôi của mình trong bùn.

Để khỏi phiền hà vì các sứ giả của các vua chư Hầu sai đến, Trang Tử phải đưa vợ đi đến chân núi Nam Hoa thuộc xứ Tào Châu nước Tống, sống ẩn dật nơi đó.

Chính tại nơi đây, Trang Tử đem hết tinh hoa của Đạo giáo học được với Đức Lão Tử, viết thành bộ sách, lấy tên núi Nam Hoa mà đặt, gọi là Nam Hoa Kinh, nhưng người đời sau thường gọi là sách Trang Tử.

Tư tưởng của ông rất lãng mạn, thâm thúy đến kỳ dị, đặc biệt nhứt là giọng phúng thích của ông không chừa một hạng người nào trong xã hội, từ vua quan tới hạng ham giàu mà ông gọi là bọn vô sỉ, cả tới hạng người theo Khổng theo Mặc, ông cũng đả kích. Ông không màng thế tục, không ham sống, không sợ chết, sống tự nhiên, coi cuộc đời như giấc mộng lớn, chết là tỉnh mộng.

Văn luận thuyết của ông vô cùng độc đáo, cuồn cuộn như sông lớn, không dùng phép lý luận để thuyết phục như Mạnh Tử, Mặc Tử, mà chỉ dùng những ý tưởng lạ lùng, những tỉ dụ không ai ngờ để làm cho người nghe phải ngạc nhiên tán thưởng, hoặc xấu hổ mà không có ý cãi lại được.

Văn của ông đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sau: Các thi nhân đời Lục Triều như: Kê Khang, Nguyễn Tịch (trong Trúc Lâm Thất Hiền), Đào Uyên Minh,... ngay cả Lý Bạch đời Đường, Tô Đông Pha đời Tống, đều nhờ bộ sách Nam Hoa Kinh mà có được thêm nhiều sở đắc.

Trang Tử chủ trương sống hạnh phúc theo tự nhiên như sau:

- Mọi vật đều khác nhau về bản tính và khả năng tự nhiên, tuy nhiên điều giống nhau chung là mỗi vật đều được hạnh phúc ngang nhau khi khả năng được sử dụng trọn vẹn và tự do. Vậy, hạnh phúc xây dựng trên sự sử dụng một cách trọn vẹn và tự do những khả năng tự nhiên của ta là một hạnh phúc hữu hạn, tương đối và có thể đạt tới được.

- Người không hiểu biết thì buồn rầu nhưng khi đã hiểu biết thì không cảm thấy buồn rầu nữa. Người ta có thể dùng lý trí để chế ngự tình cảm. Nhờ hiểu biết bản chất của sự vật mà Thánh nhân không cảm thấy buồn khổ vì những thay đổi ở đời.

Vì vậy, Thánh nhân không phụ thuộc ngoại vật và do đó, hạnh phúc không bị hạn chế bởi ngoại vật. Ta có thể bảo rằng, Thánh nhân đã đạt được hạnh phúc tuyệt đối.

- Thánh nhân có thể cai trị thiên hạ, nhưng chánh trị của Thánh nhân là để yên thiên hạ, và để cho mỗi người sử dụng một cách trọn vẹn và tự do những khả năng tự nhiên của họ.

Đạo là vô danh, do đó Thánh nhân cũng vô danh vì đã hợp nhứt với Đạo.

"Sự tích truyền lại về đời sống của Trang Tử rất mơ hồ, không có chi để tin được là đích xác. Tuy nhiên, đứng về phương diện học thuật, nó vẫn có cái giá trị đặc biệt của nó.

Trang Tử thường giao du thân mật với Huệ Thi, người nước Tống, và cùng biện luận với nhau luôn. Trong sách Trang Tử có rất nhiều sự tích về sự tranh luận của hai ông.

Trang Tử cùng Huệ Thi đứng chơi trên cầu sông Hào.

Trang Tử nói: - Đàn cá xanh bơi lội thung dung,cá vui đó.

Huệ Thi nói: - Ông không phải là cá, sao biết cá vui?

Trang Tử nói:

- Ông không phải là tôi, sao biết tôi không biết?

Huệ Thi nói:

- Tôi không phải là ông nên không biết ông, còn ông không phải là cá nên ông cũng hẳn không biết cái vui của cá.

Trang Tử: - Xin xét lại câu hỏi đầu. Ông hỏi tôi làm sao biết cá vui. Đã biết là tôi biết, ông nói: làm sao mà biết? Thì đây, làm như vầy: Tôi đứng trên cầu sông Hào mà biết đó." (Thu Thủy).

Gia đình của ông Trang Tử thế nào, sử không thấy nói, chỉ biết ông có vợ và vợ ông chết.

Trong thiên Chí Lạc có câu chuyện nầy:

"Vợ Trang Tử chết, Huệ Thi đến điếu, thấy Trang Tử ngồi duỗi xoác hai chân vừa gõ bồn vừa ca. Huệ Tử hỏi:

- Cùng người ở tới già, có con lớn mà người chết lại không khóc, cũng đã là quá lắm rồi! Lại còn vỗ bồn mà ca, không thái quá sao?

Trang Tử đáp:

- Không! Lúc nàng mới chết, tôi sao chẳng động lòng, nhưng nghĩ lại, hồi trước nàng vốn không sanh, chẳng những là không sanh mà đó vốn không hình. Chẳng những không hình mà đó vốn là không khí. Đó chẳng qua là tạp chất ở trong hư không biến ra mà có khí, khí biến ra mà có hình, hình biến ra mà có sanh, rồi lại biến ra nữa mà có tử. Khí, hình, sanh, tử, có khác nào Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa hành vận. Vả lại, người ta đã nghỉ yên nơi cự thất (nhà lớn) mà tôi còn cứ than khóc, chẳng là tự tôi không thông Mạng, nên tôi không khóc." (Chí Lạc)

Đời sống của Trang Tử rất nghèo, gần như cơ hàn. Trang Tử sang nhà Giám Hà Hầu vay lúa. Giám Hà Hầu nói:

- Tôi có cái ấp sắp nộp tiền lúa, tôi sẽ giúp ông trăm lượng, có được không?

Trang Tử nói:

- Hôm qua, khi Châu nầy đến đây, giữa đường nghe có tiếng kêu, ngảnh lại trông thấy một con cá đang vùng vẫy trong cái vết bánh xe. Châu tôi hỏi: - Cá ở đây làm gì? Cá nói: - Tôi là Thủy Thần ở biển Đông, ông có thể giúp tôi một tô nước để cứu tôi không? Châu tôi nói: - Để tôi qua chơi bên phía Nam nước Việt, rồi khi về, tôi sẽ lấy nước sông Tây Giang mà đón ngươi, có được không? Cá giận nói: - Tôi đang cần nước, ông chỉ cho tôi một ít là đủ sống. Nay nói như ông, đợi đến lúc ông về thì đến hàng cá khô thấy tôi nơi đấy." (Ngoại vật)

Ở thiên Sơn Mộc, có viết:

"Trang Tử mặc áo vải vá, giày cột bằng dây gai, gặp Ngụy Vương. Ngụy Vương nói:

- Tiên sinh khổ não đến thế ư?

Trang Tử đáp:

- Nghèo chớ không khổ não. Kẻ sĩ có đạo đức không bao giờ khổ não. Áo rách giày hư là nghèo, chẳng phải khổ. Đó chẳng qua là không gặp thời mà thôi. Phàm khi con khỉ nhảy nhót đặng thong thả là nhờ gặp được rừng cây to nhánh dài, trơn tru dai dẻo. Dầu cho bực thiện xạ như Phùng Mông cũng không sao hạ nó được. Nếu nó rủi gặp cây khô gai góc thì sự hoạt động của nó ắt khó khăn chậm chạp. Cũng thời một con thú, cũng xương ấy gân ấy mà sự cử động khó dễ khác nhau. Hoàn cảnh không thuận làm cho nó không tự do dùng hết sở năng của nó. Nay sanh không nhằm thời, trên thì hôn ám, dưới thì loạn tặc, lại muốn sung sướng có đặng chăng?"

Khi Trang Tử gần chết, đệ tử muốn hậu táng. Ông nói:

- Ta có Trời Đất làm quan quách, nhựt nguyệt làm ngọc bích, tinh tú làm ngọc châu, vạn vật làm lễ tống. Đám táng của ta như vậy không đủ sao mà còn thêm chi vô nữa?

Đệ tử nói: - Chúng con sợ diều quạ ăn xác thầy.

Trang Tử nói: - Trên thì diều quạ ăn, dưới thì giòi kiến ăn. Cướp đây mà cho đó, sao lại thiên lệch thế! (Liệt Ngự Khấu)" (Trích trong quyển: Trang Tử Tinh Hoa của Nguyễn Duy Cần)

Trong sách Kim Cổ Kỳ Quan có một câu chuyện rất nổi tiếng của Trang Tử là chuyện: Trang Tử gõ bồn, xin lược thuật ra sau đây:

Một hôm, Trang sinh đi chơi núi, thấy dưới núi có mồ mả ngổn ngang, bèn than rằng:

Già trẻ không phân biệt,
Hiền ngu một lối về!

Người về trong mả, trong mả há có thể trở lại làm người?

Than thở một hồi rồi đi tiếp, bỗng gặp một ngôi mả mới, nấm đất chưa khô, có một thiếu phụ, mình mặc đồ tang, ngồi bên mả, tay vung vẩy chiếc quạt, quạt lia lịa vào mả.

Trang sinh lấy làm lạ, dừng lại hỏi:

- Nầy Cô, chẳng hay người chôn trong mồ là ai? Tại sao cô lại quạt mồ? Chắc có nguyên do gì chớ?

Thiếu phụ vẫn không đứng lên, vẫn quạt mồ liên tiếp như cũ, cất tiếng oanh thỏ thẻ nói:

- Người trong mồ là chồng xấu số của thiếp, chẳng may qua đời, chôn cất tại đây. Lúc còn sống, vợ chồng rất yêu nhau, chết cũng không nỡ rời nhau. Chồng thiếp có dặn: Nếu muốn cải giá, hãy chờ việc chôn cất xong xuôi, đất nấm mộ khô đã, rồi mới đi lấy người khác. Thiếp nghĩ, đất mới đắp, làm sao khô được, nên phải ra sức quạt cho mau khô.

Trang sinh rất buồn cười, nghĩ bụng: Chị đàn bà nầy sao vội vã quá như vậy, thế mà dám nói lúc chồng còn sống, vợ chồng rất yêu nhau. Nếu không yêu nhau thì chẳng biết còn ra thế nào nữa! Trang sinh bèn nói:

- Nếu muốn cho nấm mồ nầy mau khô thì cũng dễ thôi, chẳng qua vì tay cô yếu, nên quạt không mạnh. Kẻ bất tài nầy xin quạt giúp cô một tay.

Thiếu phụ lúc ấy mới ngưng quạt, đứng lên, nói lời cảm tạ, rồi hai tay đưa chiếc quạt bằng lụa trắng cho Trang sinh. Trang sinh ngầm làm phép, rồi nhắm vào nấm mộ quạt liên tiếp mấy cái, hơi nước bốc lên, chẳng mấy chốc đất trở nên khô ráo. Thiếu phụ tươi cười nói:

- Cảm tạ quan nhân vất vả.

Nói rồi, dùng ngón tay thon gỡ ra từ mái tóc một chiếc thoa bạc cùng với chiếc quạt đưa tặng Trang sinh, gọi là để cảm tạ công lao. Trang sinh từ chối không nhận chiếc thoa, chỉ nhận cây quạt. Thiếu phụ hớn hở ra về.

Trang sinh cũng trở về nhà, trong lòng buồn bã bực bội, nhìn chiếc quạt, than thở đọc thành bốn câu thơ:

Chẳng nợ nần nhau chẳng sánh đôi,
Nợ nần dan díu biết bao thôi.
Ví hay mình thác, người đen bạc,
Lúc sống tơ duyên đã đứt rồi.

Điền Thị (vợ của Trang sinh) đang ở nhà sau, nghe Trang sinh ngâm thơ ta thán, bước lên hỏi:

- Tiên sinh có điều gì mà thở than như vậy?

Trang sinh bèn thuật lại cho vợ nghe câu chuyện vừa qua của người góa phụ quạt mồ. Điền Thị giận mà nói rằng:

- Không ngờ ở đời lại có kẻ bất nghĩa như thế!

Trang sinh nghĩ ngợi, rồi đọc thêm bốn câu thơ nữa:

Khi còn những kể niềm yêu dấu,
Lúc thác thường chăm việc quạt mồ.
Vẽ hổ vẽ da, xương khó vẽ,
Biết người biết mặt, chẳng biết lòng.

Nguyên tác Hán văn:

Sinh tiền cá cá thuyết ân ái,
Tử hậu nhân nhân dục phiến trần.
Họa hổ họa bì nan họa cốt,
Tri nhơn tri diện bất tri tâm.

Điền Thị nghe mấy câu thơ đó thì cả giận, nói rằng:

- Vậy là chàng cho đàn bà ai cũng như thế cả sao?

Trang sinh nói:

- Nàng đừng vội giận, lòng người ai mà chả thế! Phỏng không may tôi có chết đi thì nàng với nhan sắc như thế, chắc đâu đã ở vậy được ba năm?

Điền Thị nổi giận giựt chiếc quạt xé nát nói rằng:

- Gái trinh chẳng lấy hai chồng. Nếu thiếp gặp cảnh ấy thì chỉ có một chết chớ không chịu nhục.

Sau đó, khoảng mấy ngày, Trang sinh bỗng ngã bịnh nặng, thuốc thang không khỏi, bèn nói với vợ rằng:

- Xem bịnh tình, tôi biết không sao sống được. Tiếc thay cái quạt hôm nọ, đến lúc nầy nàng cần dùng đến thì đã bị xé mất rồi!

Điền Thị khóc lóc nói rằng:

- Chàng đừng nghĩ thế, thiếp là người biết trọng lễ nghĩa, lẽ nào làm thế! Ví bằng chàng chẳng qua khỏi thì thiếp nguyện ở vậy suốt đời.

Trang sinh nghe vợ nói như vậy thì rất khen ngợi rồi tắt thở. Điền Thị than khóc suốt ngày đêm, không ăn uống gì cả, mặc đồ đại tang, khâm kiệm cho chồng rất tử tế, rồi đem quan tài tạm quàn vào nhà trong.

Được 7 ngày, có một thiếu niên hình dung tuấn tú, ăn mặc lịch sự, có một đày tớ theo hầu, tìm đến nhà Trang Tử, tự xưng là cháu của vua nước Sở, nghe tiếng Trang Tử là bực đại hiền, nên đến xin cầu học. Khi biết Trang Tử vừa tạ thế thì rất bùi ngùi thương tiếc, bèn chuẩn bị lễ phúng viếng, lạy trước linh sàng mà khấn rằng:

- Kính viếng linh hồn Trang Tiên sinh. Kẻ đệ tử nầy nghe Tiên sinh là người học rộng, tài cao, nên chẳng ngại đường xa, đến xin thọ nghiệp. Nào ngờ Tiên sinh đã cỡi hạc xa bay, đệ tử vô cùng thương xót. Vậy xin cho đệ tử lại ở đây chịu tang 100 ngày cho trọn nghĩa thầy trò.

Lạy xong, thiếu niên mời Điền Thị ra xin thưa chuyện. Điền Thị từ chối không ra, thiếu niên nói với người nhà rằng:

- Khi bạn bè của Trang Tiên sinh đến viếng, Sư mẫu còn phải ra tiếp, phương chi tôi là kẻ môn sinh thì hà tất phải lánh mặt. Vả lại, tôi còn xin Sư mẫu lục soạn những sách vở của Tiên sinh đã viết ra để lại cho đời, có được bao nhiêu quyển. Vậy xin Sư mẫu cho phép tôi được hầu chuyện.

Điền Thị bèn ra tiếp, trông thấy thiếu niên vừa trẻ vừa đẹp thì có cảm tình, đến khi trò chuyện, lời ăn tiếng nói rất lễ phép dịu dàng, khôn khéo, nên thêm quyến luyến, nên nhận lời cho thiếu niên tạm trú theo yêu cầu.

Cạnh bàn thờ đặt giữa nhà, nàng cho kê một cái giường ở gian bên cho khách nghỉ. Nàng lấy sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử và Đạo Đức Kinh của Lão Tử đưa cho khách xem.

Điền Thị ở nhà trong, mỗi ngày hai lần ra cúng cơm chồng, nên có dịp gặp chàng thư sinh trò chuyện, sanh ra cảm mến, càng ngày càng say mê.

Một hôm, Điền Thị gọi đày tớ của thư sinh vào nhà trong hỏi chuyện, rằng:

- Chủ của anh năm nay bao nhiêu tuổi, đã có vợ chưa?

Đày tớ đáp:

- Cậu tôi năm nay 22 tuổi, chưa có vợ, vẻ người tuấn tú tài học khác thường, mà lại dòng dõi cành vàng lá ngọc, thì cũng dễ tìm nơi phú quí, nhưng xem ra, cậu tôi chỉ kén người tài sắc tuyệt vời, chẳng kể sang hèn, nghèo giàu, ít tuổi hay đứng tuổi, còn tân hay góa, thế mà đến nay vẫn chưa kén được.

Điền Thị nói:

- Tôi là người trong họ của vua nước Tề, nhan sắc chẳng kém người, mà đàn hát thêu thùa cũng không kém bạn, thực là vô duyên không được một người vừa đôi lứa như cậu của anh.

Người đày tớ lại nói:

- Tôi nhận thấy cậu tôi có nhiều cảm tình với cô lắm, nếu không phải chỗ sư đệ thì chẳng khó gì việc kết tóc xe tơ.

Điền Thị vui mừng nói:

- Việc của cậu anh theo học với thầy Trang Tử là việc mới định mà chưa thành, sao gọi là sư đệ được. Anh nên thưa rõ với cậu anh như thế, ý cậu anh thế nào, anh cho tôi biết.

Người đày tớ vâng dạ rồi lui ra. Điền Thị chờ mấy hôm không thấy trả lời, bèn gọi người đày tớ vào hỏi. Đày tớ đáp:

- Về đạo thầy trò thì cậu tôi đã nghe ra, nhưng cậu tôi còn nhận thấy có 3 điều bất tiện: Một là bàn thờ vong đặt nơi giữa nhà mà làm lễ kết hôn thì coi không được, hai là cậu tôi kém Tiên sinh về tài đức thì cái tình của cô chắc cũng kém nồng nàn, ba là ở nhà cậu tôi ra đi không mang theo nhiều tiền thì lấy chi sắm sửa.

Điền Thị nói:

Những điều vừa nói cũng dễ xử cả. Hiện nhà sau có phòng bỏ không, đem dọn bàn thờ vong ra đấy là được. Vả thầy Trang có tài đức, nhưng người thì xấu dạng và già hơn tôi rất nhiều, nên có khi xung đột với tôi về tư tưởng, cho nên ân ái cũng chẳng nồng nàn. Cậu anh là chỗ môn đăng hộ đối lớn, tài sắc gồm hai, thì chắc là duyên vầy cá nước. Còn như sính lễ thì tôi có sẵn rồi.

Điền Thị lấy 20 lạng bạc trao cho đày tớ đem về cho chủ. Chàng thư sinh nhận được bạc, mới định ngày hôn lễ. Điền Thị cả mừng, cho dọn bàn thờ ra sau.

Đêm hôm lễ thành hôn, Điền Thị và chàng thư sinh đều mặc quần áo mới rất đẹp, rất vui vẻ, cùng nhau trò chuyện.

Bỗng chàng thư sinh lăn ra kêu đau bụng, rồi mê man bất tỉnh. Điền thị ân cần săn sóc. Người đày tớ nói:

- Cậu tôi vốn có bịnh đau bụng từ lâu, mỗi khi lên cơn rất nguy hiểm, chỉ có một vị thuốc chữa khỏi được thôi, nhưng rất khó tìm kiếm. Đó là óc người sống hòa với rượu, uống vào thì khỏi ngay. Cho nên, mỗi lần cậu tôi đau bụng thì vua Sở phải bắt một người tội nhân giết chết để lấy óc hòa với rượu cho cậu tôi uống thì tánh mạng cậu tôi mới được bảo toàn.

Điền Thị nói: - Thế óc của người chết có được không?

Đày tớ đáp:

- Nếu óc của người chết chưa quá 30 ngày thì được.

Điền Thị nói: - Thầy Trang mới chết được 20 ngày, hiện quan tài còn quàn ở nhà sau. Để tôi mở nắp áo quan ra, bửa lấy óc cho cậu anh uống.

Tức thì Điền Thị, tay xách đèn, tay cầm búa đi ra nhà sau. Vừa cạy nắp quan tài thì thấy nắp bật lên, thấy Trang sinh nằm trong quan tài thở dài một tiếng rồi ngồi dậy. Điền Thị tuy bạo gan, nhưng vẫn là đàn bà, nên quá sợ hãi, người mềm nhũn, cái búa rơi xuống đất không hay. Trang sinh gọi:

- Nàng ơi! mau đỡ ta dậy.

Điền Thị tỉnh hồn, vội đứng lên đỡ Trang sinh bước ra khỏi quan tài. Trang sinh cầm đèn, Điền thị theo sau, đi lên nhà trên. Điền Thị biết là chàng thư sinh đang ở trên đó, lòng lo sợ toát mồ hôi, run rẩy đi theo. Nhưng khi lên đến nơi, vào phòng thấy giường nệm đẹp đẽ thơm tho mà không thấy hai thầy trò thư sinh. Điền Thị làm tỉnh nói với Trang sinh:

- Sau khi chàng nhắm mắt, thiếp thương xót vô cùng. Vừa rồi, bỗng nghe trong quan tài có tiếng động, chắc là chàng hồi sinh, nên thiếp lấy búa cạy nắp quan tài xem thử.

Trang sinh nói:

- Nàng có lòng như thế, tôi rất cảm tạ, nhưng đương khi tang tóc, sao nàng mặc quần áo lộng lẫy như một cô dâu thế?

- Chàng sống lại là điều rất vui mừng, cớ sao không cho thiếp mặc quần áo đẹp đẽ.

- Thế còn bàn thờ sao lại dọn vào nhà trong và trang hoàng nhà ngoài đẹp đẽ để làm gì? Lại còn có cỗ bàn linh đình như thế kia nữa là sao?

Điền Thị trả lời không được. Trang sinh cũng không hỏi nữa, sai dọn rượu ra uống, uống cho tới khi say, mới cầm bút viết mấy câu thơ:

Giũ sạch từ đây duyên với nợ,
Yêu ta, ta cũng không yêu nữa.
Ví cùng xum họp lại như xưa,
E nỗi đập xăng, lòng tráo trở.

Điền Thị xem thơ xong thì rất xấu hổ, chẳng dám nói gì.

Trang Tử lại viết thêm mấy câu nữa:

Ái ân thôi cũng chuyện trăm ngày,
Có mới vội vàng nới cũ ngay.
Vừa đậy quan tài, vừa bổ nắp,
Bên mồ lọ phải quạt luôn tay!

Trang Tử bỗng nhìn ra bên ngoài, hỏi Điền Thị rằng:

- Kìa, hai người nào thế kia?

Điền Thị nhìn ra thấy người thiếu niên thư sinh và tên đày tớ cùng đi vào. Nàng cả sợ thì Trang Tử đã biến mất, mà nhìn ra thì cũng chẳng thấy hai người kia nữa. Điền Thị mới biết Trang Tử có phép biến hóa, giả chết rồi biến ra chàng thư sinh để thử lòng nàng. Nàng hối hận vô cùng, xấu hổ không xiết, bèn vào nhà trong thắt cổ chết.

Trang Tử gỡ xác nàng xuống, đặt vào trong cái xăng cũ của mình, rồi đem chôn cất chu đáo.

Xong đâu đó, Trang Tử ngồi gõ bồn mà hát:

Nên than ôi! Thế sự!
Đường hoa đơm lại rã,
Vợ chết ắt ta chôn,
Ta chết vợ cải giá.
Ví bằng ta chết trước,
Một cuộc cười ha hả!
Ruộng mình người khác cày,
Ngựa mình người khác cỡi.
Vợ để lại người xài,
Con bị người rủa sả.
Nghĩ lại chạnh tấm lòng,
Nhìn nhau không lã chã.
Đời cười ta chẳng bi thương,
Ta cũng cười đời luống đoạn trường,
Cuộc đời khóc mà vãn hồi được,
Ta cũng ngàn thu khóc muôn hàng!

Trang Tử hát xong, đập nát tan cái bồn, đốt hết nhà cửa, rồi bỏ đi biệt tích....

* Học thuyết của Trang Tử:
Học thuyết của Trang Tử được trình bày trong sách Nam Hoa Kinh, tức sách Trang Tử.

Nam Hoa Kinh ngày nay còn được 33 thiên, phân làm 3 phần: Nội thiên, Ngoại thiên, Tạp thiên. Nội thiên gồm 7 thiên, Ngoại thiên gồm 15 thiên, Tạp thiên gồm 11 thiên.

(Xem chi tiết nơi chữ: Nam Hoa Kinh, vần N)

Căn cứ vào văn mạch thì chỉ có Nội thiên là biểu thị được chỗ trọng yếu của học thuyết Trang Tử, còn Ngoại thiên và Tạp thiên thì rất rời rạc, chỉ bàn lại những tư tưởng đã phô diễn ở Nội thiên mà thôi.

Trong Nội thiên chỉ có: Tiêu Dao Du (bàn về tự do tuyệt đối) và Tề Vật Luận (bàn về bình đẳng tuyệt đối) là hai thiên quan trọng nhứt, làm nền tảng cho học thuyết Trang Tử.

Học thuyết của Trang Tử tóm tắt gồm mấy yếu điểm kể ra sau đây:

1. Đạo là một cái Toàn thể Nhứt nguyên. Cái lớn lao bao nhiêu cũng ở trong Đạo, mà nhỏ bao nhiêu cũng chứa đủ cái Đạo bên trong.

2. Đừng xem thường cái thế giới hữu hình, vì vật chất và tinh thần tựu trung là một. Hễ chưa đạt đến cái trung tâm điểm của mọi sự mọi vật, tức là chỗ hoàn trung của mọi lẽ mâu thuẫn, của mọi chân lý tương quan vụn vặt, thì cái Đạo nơi ta chưa thể thực hiện được. Mỗi vật đều có cái giá trị riêng của nó, không có gì cao trọng hơn cái gì, nghĩa là giá trị của mọi vật đều bằng nhau. Lòng tham dục đèo bòng theo ngoại vật, nhân đó sẽ tiêu tan tất cả.

3. Rồi mở rộng tâm hồn bao trùm vũ trụ, nhìn vạn vật bằng cặp mắt tổng quan, thấy sự chằng chịt dính líu của mọi cặp mâu thuẫn trong đời, nghĩa là thấy được sự không thể chia lìa của những gì mà người đời không thể nào hòa hợp đặng.

Mọi sự tranh chấp nơi lòng sẽ tiêu tan, mọi sự tranh chấp nơi ngoài cũng sẽ hết làm cho lòng mình thắc mắc nữa.

Mình cảm thấy mình là người có thể có ích cho đời, nhưng không phải là người nhu thiết cho đời.

Muốn đạt đến chơn lý tuyệt đối tức là Đạo, thì phải lo cởi bỏ cái học Nhị nguyên và trục vật. Càng bớt náo động chừng nào thì càng lại được thành công chừng nấy. Chơn lý nầy mà được thành thực nhìn nhận và đem ra thực hành dễ khiến cho lòng được thư thái nhẹ nhàng, tự do giải thoát.

* Trang Tử và Lão Tử:
Sử gia đầu tiên của Trung hoa là Tư Mã Thiên bàn về cái học của Trang Tử có viết:

"Triết lý của Trang Tử khác với Lão Tử, lại muốn siêu thoát khỏi vấn đề nhân gian thế sự. Khi ông nói đến các vị vua đầu tiên của nhà Hán, cho rằng các bậc ấy lấy Vô vi mà trị nước là có ý muốn nói rằng các bậc trị nước ấy đã áp dụng triết lý chánh trị của Lão Tử. Chỉ đến cuối đời nhà Hán (-220) thì người ta mới bắt đầu để ý đến Huyền học, bấy giờ sách của Lão Tử mới được người ta dùng cái học của Trang Tử mà giải thích. Như vậy, ta thấy rằng, tuy khởi thủy hầu như lập trường triết lý của hai nhà đứng riêng nhau, nhưng vẫn có sự liên hệ với nhau luôn."

Trong thời kỳ Tiền Hán (-206), tư tưởng của Lão Tử được truyền bá, còn tư tưởng của Trang Tử thì mãi đến thời Hậu Hán (từ 25 đến 220) mới được phổ biến.

Bởi vậy, buổi đầu nhà Hán, danh từ Hoàng-Lão (Hoàng Đế và Lão Tử) được xưng tụng và phổ thông, chỉ đến cuối đời nhà Hán mới đổi ra thành Lão-Trang (Lão Tử và Trang Tử).

Nếu ta so sánh sách của Lão Tử với sách của Trang Tử, ta sẽ thấy khác nhau rất xa mà từ trước đến giờ chưa ai nêu rõ lên. Lão Tử thì tham gia vào phong trào chung của người đồng thời (như Khổng Tử, Mặc Tử) với mục đích là cứu dân. Trong khi đó, Trang Tử chỉ quan tâm đến vấn đề cứu chữa lấy mình làm gốc. Dường như Lão Tử viết Đạo Đức Kinh là để cho các vị vua chúa và các nhà làm chánh trị chớ không phải viết cho các đệ tử của ông. Đọc quyển Đạo Đức Kinh, ta thấy rõ ông thường nhấn mạnh về việc trị nước, luôn luôn chống đối chánh sách hữu vi, thường hay can thiệp vào việc của dân chúng.

Như vậy, ta thường thấy, cái học của Trang Tử là để cho tất cả mọi người trong xã hội, bất cứ là người dân hay quan; còn cái học của Lão Tử là dành riêng cho những ai có sứ mạng dìu dắt dân chúng hay trị vì thiên hạ.

Trang Tử với thuyết Tiêu Dao của ông, lại còn đi xa hơn nữa ở chỗ không mấy thiết tha đến việc cứu rỗi thiên hạ, là vì ông không tin nơi sự cứu đời, bởi một lẽ rất giản dị là không ai giải thoát được mình cả ngoài mình, và nếu mỗi người đều biết lo cho mình được "vô kỷ, vô công, vô danh" thì đâu cần ai lo cải tạo ai, và việc đời sẽ tự nhiên không còn rắc rối nữa.

Vấn đề xã hội vì vậy đối với ông thật ra chỉ là vấn đề cá nhân.

Chân vịt ngắn, cố mà kéo ra cho dài ắt nó đau đớn khổ sở; chân hạc thì dài mà cố làm cho nó ngắn thì nó đau. Cho nên Tánh mà dài thì không phải là cái nên chặt bớt; Tánh mà ngắn thì không phải là cái nên kéo cho dài. Như vậy thì đâu còn chỗ nào phải đau khổ nữa.

Cái mà thiên hạ thường gọi là thương người và giúp đời, phải chăng tựu trung đều có cái ý đem tất cả người đời đều cùng theo về một quan niệm tư tưởng hay tình cảm như ta, và phải chăng trong thâm tâm ai ai cũng tin rằng: đời đục cả, một mình ta trong; đời say cả, một mình ta tỉnh.

Ở trong thiên Thiên Địa nói rõ điều đó: Ôi, hạng thật mê, suốt đời không tỉnh; hạng thật ngu, suốt đời không khôn. Ba người cùng đi mà có một người mê thì chỗ mình định nói đến còn có thể mong đạt tới được, là vì kẻ mê ít mà người tỉnh nhiều. Nếu ba người cùng đi mà có hai người mê thì chỗ mình định nói đến không thể mong đạt tới được, vì người mê nhiều mà người tỉnh ít.

Nay cả thiên hạ đều mê, ta dù có muốn chỉ đường cũng không thể được, chẳng cũng xót xa lắm sao!

Tiếng hát hay không sao lọt được vào tai bọn dân quê, hát líu lo bậy bạ vậy mà chúng náo nức vui mừng. Thế nên lời nói cao không thể lọt vào lòng thế nhơn. Lời hay không thể nói ra được là vì lời thô rất nhiều, đầy lấp cả thiên hạ, được thế lực bè đảng ủng hộ. Biết là sự chẳng thể được mà gượng làm, đó lại còn mê hơn thiên hạ nữa. Cho nên, thà bỏ đi, mà chẳng suy cầu để làm gì còn hơn.

Hễ đồng thì ứng, không đồng thì không ứng, mà hễ đồng với ta thì ta cho là phải, còn không đồng với ta thì ta cho là quấy! Con người ta đều thích người đồng với mình, mà ghét người không đồng với mình.

Lão Tử thì chủ trương: cứng rắn thì dễ bị nát, nhọn bén thì dễ bị mòn lụt, đầy thì dễ đổ, v.v... cho nên Lão Tử chỉ cho con người con đường để tránh khỏi sự đổ nát, mòn gãy,.... Trái lại, Trang Tử thì chủ trương sự: ngoại tử sinh, vô chung thủy. Cho nên, chỗ mà Lão Tử chăm chú thì Trang Tử lại nhìn với cặp mắt thản nhiên như không đáng kể.

Tóm lại, theo Sử gia Tư Mã Thiên, cái học của Trang Tử không đâu là không bàn đến, nhưng gốc ở những lời dạy của Lão Tử. Chỗ tương đồng của Trang và Lão là cả hai đều cùng một quan niệm về Đạo và Đức, và cả hai đều chống đối tư tưởng truyền thống đương thời, và vì thế mà Tư Mã Thiên đặt cho học phái nầy là Đạo Đức Gia, vì quan niệm Đạo và Đức là nền tảng chung cho cái học của Lão và Trang.

Như thế, tuy là tự độ, nhưng cũng là độ tha một cách tiêu cực. (Trích trong Trang Tử Tinh Hoa, của Nguyễn Duy Cần)

Nguồn : CaoDaiTuDien
http://caodaism.org/CaoDaiTuDien/tr/tr1-047.htm#01

 
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: