2.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Báo Ân Từ
.Thời Ngọ 15 tháng 4 năm Mậu Tý ( 23.5.1948 )
Ý nghĩa về Nhạc Tấu Huân Thiên.
Có điều mầu nhiệm nên nay Bần Ðạo giảng về Lễ Nhạc để tránh sự thất lễ khi vô hành lễ vì không hiểu nghĩa lý, không biết thủ lễ theo phép cho y khuôn khổ khi 'Nhạc Tấu Huân Thiên'
Bên Á Ðông, trong nền Ðạo Cao Ðài có trống có chuông, còn bên Âu Châu có chuông mà không có trống là tại sao ? Tại sao Á Ðông dùng trống còn Âu Châu dùng chuông ?
Trống là âm thinh của Ðạo. Thuở chưa có càn khôn vũ trụ, Ðạo giáo có dạy : Hai lằn nguơn khí đụng lại nổ ra khối lửa, khối lửa ấy là ngôi Thái Cực. Chủ ngôi Thái Cực là Ðức Chí Tôn. Khi nào Trời sét nổ, chúng ta nghe sao ? An Nam mình kêu 'ầm' còn theo Ðạo pháp kêu 'ùm', vì cớ phép Phật sửa lại là 'úm' ( úm ma ni bát rị hồng ), câu ấy đọc có nghĩa là nắm cả quyền năng vũ trụ quản suất trong tay.
Tiếng nổ ta nghe nó ra sao ? Khi nổ rồi còn nghe tiếng bay xa, nguyên căn của tiếng nổ là tiếng trống, còn giọng ngân là tiếng chuông.
Ấy vậy nguyên căn của Ðạo Giáo do bên Á Ðông nầy, có tiếng trống ngân bay qua Âu Châu, nên các Ðạo giáo Âu Châu đều là hưởng ứng theo Phật Giáo mà Phật Giáo xuất hiện nơi Á Ðông. Vì vậy mà các nền tôn giáo phụ thuộc không đúng theo nguyên tắc căn bản.
Còn tại sao khi vô làm lễ, lúc 'Nhạc Tấu Huân Thiên' tức là lễ hiến dâng sự sống cho Ðức Chí Tôn là Thầy của cả càn khôn vạn vật, Bần Ðạo thường nhắc nhở tất cả phải đứng ngay ngắn, nghiêm chỉnh. Nhạc là hưởng ứng của cả khối sanh quang, của càn khôn vạn vật đồng thinh. Nơi Á Ðông có câu : 'Biều thổ cách mộc thạch kim dử tư trước nãi bát âm'.
Các vật vô năng mà nói đặng có trật tự niêm luật hòa nhau là đạt đạo, hiệp lại với tiếng kinh mình đọc là âm thinh, nghĩa là con người cùng vạn vật đồng thinh hiến lễ. Nơi Ngọc Hư Cung có đôi liễn :'Bát hồn vận chuyển ca Huỳnh lão, Vạn vật đồng thinh niệm Chí Tôn.'
Khi nhạc trổi, cả thảy phải im lặng, hiến cả âm thinh sự bí mật ấy gọi là Phi Tướng Lễ, chủ ý là trình tấu với Ðức Chí Tôn rằng :Các con biết được mầu nhiệm nguyên căn của Cha lành muốn cho các con nối nghiệp theo một khuôn phép trường tồn. Lễ đó trọng hệ như dâng Tam Bửu vậy.
Bần Ðạo dặn một lần nữa, khi nào xướng 'Nhạc Tấu Huân Thiên' thì phải đứng bình tịnh, người nào có vô không kịp thì đứng ngoài mà thôi.
Thuyết Ðạo QII / tr 79