NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
giáo đạo Nam phương I. Trung! Vô giữa bái lễ cho Thầy coi.
Con làm lễ trúng, song mỗi gật con nhớ niệm Câu Chú của Thầy: NAM MÔ CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.
Ðại Lễ là làm lễ ba lần:
Lần đầu dâng hương và hoa,
Lần giữa dâng rượu,
Lần chót dâng trà.
Phải chính mình con dâng các lễ ấy.
Khi bái lễ, hai tay con chấp lại, song phải để tay trái ấn Tý, tay mặt ngửa ra nằm dưới, tay trái chụp lên trên.
Từ đây (25-2-1926, 13 tháng Giêng năm Bính Dần), con phải may riêng bộ áo lễ tay rộng, cổ trịch như áo đạo, nhưng dải gài chín mối, màu xanh da trời. Con nhớ mang giày gai đặng hầu Thầy, còn nhứt nhứt đều để chơn không hết.
II. Lạy là gì? Là tỏ ra bề ngoài lễ kỉnh trong lòng.
Chấp hai tay lạy là tại sao? Tả là nhựt, hữu là nguyệt, vị chi âm dương. Âm dương hiệp nhứt phát khởi Càn khôn, sanh sanh hóa hóa, tức là Ðạo.
Lạy kẻ sống 2 lạy là tại sao? Là nguồn cội của nhơn sanh lưỡng hiệp âm dương mà ra. Ấy là Ðạo.
Vong phàm lạy 4 lạy là tại sao? Là vì hai lạy của phần người, còn một lạy Thiên, một lạy Ðịa.
Lạy Thần, lạy Thánh 3 lạy là tại sao? Là lạy Ðấng vào hàng thứ ba của Trời và cũng chỉ rằng lạy Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt. Ấy là Ðạo.
Lạy Tiên, lạy Phật 9 lạy là tại sao? Là tại chín Ðấng Cửu Thiên Khai Hóa.
Còn lạy Thầy 12 lạy là tại sao?
Các con không hiểu đâu.
Thập nhị Khai Thiên là Thầy, chúa cả Càn khôn Thế giới, nắm trọn Thập nhị Thời Thần vào tay. Số 12 là số riêng của Thầy.
III. Chưa phải hồi các con biết đặng tại sao vẽ Thánh Tượng Con Mắt mà thờ Thầy, song Thầy nói sơ lược cho hiểu chút đỉnh:
Nhãn thị chủ tâm,
Lưỡng quang chủ tể,
Quang thị Thần,
Thần thị Thiên,
Thiên giả Ngã dã.
THẦN là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Ðạo bị bế. Lập Tam Kỳ Phổ Ðộ nầy, duy Thầy cho THẦN hiệp TINH, KHÍ đặng hiệp đủ Tam Bửu là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh.
Các con nhớ nói vì cớ nào thờ Con Mắt Thầy cho chư Ðạo hữu nghe.
Phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, từ ngày Ðạo bị bế, thì luật lệ hỡi còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song Thiên đình mỗi phen đánh tản THẦN không cho hiệp cùng TINH, KHÍ.
Thầy đến đặng huờn nguyên Chơn thần cho các con đắc đạo. Con hiểu "Thần cư tại Nhãn". Bố trí cho chư Ðạo hữu con hiểu rõ. Nguồn cội Tiên Phật do yếu nhiệm là tại đó.
Thầy khuyên con mỗi phen nói Ðạo, hằng nhớ đến danh Thầy.
CHÚ THÍCH:
Bài Thánh Ngôn nầy có ba phần rõ rệt:
Phần I: Ðức Chí Tôn dạy Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt bái lễ và dạy may Ðạo phục Thượng Ðầu Sư.
Phần II: Ðức Chí Tôn dạy về năm cách lạy.
Phần III: Ðức Chí Tôn dạy về ý nghĩa thờ Thiên Nhãn.
I. Phần I có chép trong ÐS.I.104, đề ngày Thứ sáu, 25-2-1926, tại nhà của Ðức Cao Thượng Phẩm số 134 đường Bourdais, Phò loan: Hộ Pháp - Thượng Phẩm.
Câu Chú: là câu niệm huyền bí của một Ðấng thiêng liêng đặt ra để hộ trì các môn đệ trên bước đường tu hành.
Câu Chú của Thầy có 12 chữ bao gồm Tam giáo:
Cao Ðài: tượng trưng Nho giáo.
Tiên Ông: tượng trưng Lão giáo hay Tiên giáo.
Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát: tượng trưng Phật giáo.
Ngày nay Ðức Chí Tôn dùng Câu Chú nầy có mục đích Qui nguyên Tam giáo, tức là đem Tam giáo (Nho, Phật, Lão) về một gốc, gốc đó là Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.
Ðức Chí Tôn dặn Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt: "Còn đồ sắc phục của con duy để làm lễ Thầy mà thôi. Nếu con bận nó đến nơi nào thì chư Thần Thánh Tiên Phật đều phải tránh hết."
II. Ðức Chí Tôn dạy năm cách lạy:
1) Lạy người sống: 2 lạy đứng, tức là một lạy Dương, một lạy Âm. Lạy đứng là đứng lên rồi lạy xuống, rồi đứng lên và lạy xuống, hai lần là hai lạy.
2) Lạy vong phàm: Vong phàm là người thường chết. Lạy vong phàm 4 lạy gồm hai lạy quì và hai lạy đứng. Hai lạy quì là một lạy kỉnh Thiên, một lạy kỉnh Ðịa. Hai lạy đứng là về phần người: một lạy Dương, một lạy Âm.
3) Lạy Thần, lạy Thánh: 3 lạy quì.
4) Lạy Tiên, lạy Phật: 9 lạy quì. Cách lạy: Quì lạy ba lạy, mỗi lạy gật đầu ba gật, tổng cộng chín gật thế cho chín lạy. Mỗi gật niệm danh hiệu của vị Tiên hay vị Phật đó.
5) Lạy Ðức Chí Tôn: 12 lạy quì. Cách lạy: Quì lạy ba lạy, mỗi lạy bốn gật, tổng cộng là mưới hai gật thế cho mười hai lạy, mỗi gật niệm Câu Chú của Thầy.
Trong năm cách lạy nầy, hai bàn tay đều bắt Ấn Tý.
Ấn Tý là ấn đặc biệt của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
* Thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ mở Ðạo Tiên, dạy cách lạy hai bàn tay chấp nắm co lại, nhìn vào giống như cái hoa còn búp.
* Thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Phật Thích Ca mở Ðạo Phật, dạy cách lạy hai bàn tay xòe thẳng ra rồi úp lại, khi lạy xuống, hai bàn tay mở ra để ngửa, như cái hoa nở.
* Nay đến thời Tam Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Chí Tôn mở Ðạo Cao Ðài, dạy chấp hai tay bắt Ấn Tý, giống như trái cây có cái hột bên trong, tức là kết quả, khi lạy xuống thì hai bàn tay xòe ra và úp xuống, hai ngón cái gác tréo nhau, tượng trưng việc gieo hột giống xuống đất.
Như vậy, Tam Kỳ Phổ Ðộ là thời kỳ chót trong một chu trình: Trổ hoa và hoa còn búp, kế đó là hoa nở, rồi hoa kết thành trái và lấy hột gieo xuống đất, để sau đó cây mọc lên và tạo một chu trình kế tiếp tiến hóa hơn.
Chín Ðấng Cửu Thiên Khai Hóa: Chín Ðấng Tiên Phật mở ra chín từng Trời và giúp sự tiến hóa trong chín từng Trời ấy. Cửu Thiên hay Cửu Trùng Thiên là chín từng Trời.
Thập nhị Khai Thiên: Mười hai Ðấng Tiên Phật mở ra 12 từng Trời. Các Ðấng nầy do Ðức Chí Tôn hóa thân ra.
Mười hai từng Trời nầy chia ra hai phần:
- Bên dưới là 9 từng Trời gọi là Cửu Trùng Thiên.
- Bên trên là 3 từng Trời gồm: Hư Vô Thiên, Hội Nguơn Thiên, Hỗn Nguơn Thiên.
Thập nhị Thời Thần: 12 vị Thần cai quản 12 khoảng thời gian. Ðức Chí Tôn chia chu trình sáng tạo và tiến hóa của CKVT và vạn vật làm 12 khoảng thời gian, đặt tên theo Thập nhị Ðịa Chi (12 con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mẹo,...). Cho nên nói: Thiên khai ư Tý, Ðịa tịch ư Sửu, Nhân sanh ư Dần. Khoảng thời gian đầu là Tý, Ðức Chí Tôn mở các cõi Trời.
Khoảng thời gian tiếp theo gọi là Sửu, Ðức Chí Tôn mở các cõi Ðất. Thời gian tiếp theo nữa gọi là Dần, Ðức Chí Tôn sanh ra vạn vật và loài người....
Thánh Tượng Con Mắt: là Thánh Tượng Thiên Nhãn, là hình vẽ con mắt tượng trưng Ông Trời để thờ.
1. Nhãn thị chủ Tâm, 眼是主心
2. Lưỡng quang chủ tể, 兩光主宰
3. Quang thị Thần, 光是神
4. Thần thị Thiên, 神是天
5. Thiên giả Ngã dã. 天者我也
GIẢI NGHĨA:
1. Con mắt là chủ của cái Tâm. Ở đây, Thiên Nhãn là chủ của cái Thiên Tâm, Thiên Nhãn là chỉ Ông Trời, Thiên Tâm là cái Tâm của ông Trời tức là Thái Cực, Ðại Linh quang, Ðại hồn. Vậy: Ông Trời là chủ của Thái Cực.
2. Hai ánh sáng là chúa tể. Lưỡng quang ấy là Lưỡng Nghi: Dương quang và Âm quang. Ðức Chí Tôn chưởng quản Dương quang, Ðức Phật Mẫu chưởng quản Âm quang.
Âm quang và Dương quang là chúa tể, bởi vì Lưỡng quang Âm Dương phối hợp tạo ra CKVT và hóa sanh vạn vật.
3. Ánh sáng là Thần. (Thần là chơn thần của Ông Trời)
4. Thần là Trời.
5. Trời ấy là TA vậy.
Cho nên, thờ Thiên Nhãn là thờ Trời, thờ Ðức Chí Tôn.
Thần cư tại nhãn: Chơn thần hiện ra nơi con mắt. Nhìn vào đôi mắt, ta đoán biết Thần của người đó mạnh hay yếu.
Huờn nguyên hay Hoàn nguyên là trở về nguồn cội.
Phép luyện đạo trong ÐÐTKPÐ là luyện Tam Bửu (Tinh, Khí, Thần) hiệp nhứt, tức là luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hiệp Thần, luyện Thần huờn Hư, tạo được Chơn thần huyền diệu, đắc đạo tại thế.