[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Trang Cao Đài » Cao Đài Tự Điển » Vần B » Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu (1884-1958)
Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu (1884-1958)
admin Friday, 19-08-2022, 4:58 PM | Message # 1
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
Ngài Cao Quỳnh Diêu, hiệu là Mỹ Ngọc, nên thường xưng là Cao Mỹ Ngọc, Ðạo hiệu là Cao Liên Tử, sanh năm Giáp Thân (1884) tại làng Hiệp Ninh, tổng Hàm Ninh Thượng, tỉnh Tây Ninh, trong một gia đình Nho phong thế phiệt.

Thân phụ là Ông Cao Quỳnh Tuân làm Cai Tổng Hàm Ninh Thượng. Ông Cao Quỳnh Tuân mất lúc Ông Diêu được 14 tuổi. Ðức Chí Tôn cho biết Ông Cao Quỳnh Tuân là Xuất Bộ Tinh Quân ở Thượng giới giáng trần.

Thân mẫu của Ngài Diêu là Bà Trịnh Thị Huệ, đắc phong Nữ Giáo Sư ngày 14-Giêng-Ðinh Mão (dl 15-2-1927) do Ðức Chí Tôn ân phong kỳ phong Thánh Nữ phái lần thứ I.

Ngài Diêu là anh ruột thứ ba của Ngài Cao Quỳnh Cư, Ngài Cư là em thứ tư. Cả hai vị đều đắc phong hàng Chức sắc Ðại Thiên phong đầu tiên của Ðạo Cao Ðài:

Ngài Cao Quỳnh Diêu đắc phong Bảo Văn Pháp Quân trong Thập Nhị Bảo Quân, Hàn Lâm Viện của Ðạo Cao Ðài.

Ngài Cao Quỳnh Cư đắc phong Thượng Phẩm HTÐ.

Hiền nội của Ngài Cao Quỳnh Diêu là Bà Trần Thị Lựu, đắc phong Nữ Giáo Hữu trong kỳ phong Thánh Nữ phái lần I, được Ðức Chí Tôn giao nhiệm vụ cùng với Nữ Giáo Sư Hương Hiếu (hiền nội của Ngài Cư, đây là hai chị em bạn dâu trong gia đình họ Cao) dạy các Ðồng nhi tụng kinh.

Trong TNHT, quyển I trang 44, Ðức Chí Tôn bảo:

"Lựu và Hiếu tập một lũ Nữ Ðồng nhi chừng 36 đứa đặng mỗi khi Ðại lễ nó tụng kinh cho Thầy."

(Lựu: Nữ Giáo Hữu Hương Lựu, hiền nội Ngài Diêu. Hiếu: Nữ Giáo Sư Hương Hiếu, hiền nội Ngài Cư.)

Ngài Diêu là một trong bốn vị (Cư, Tắc, Sang, Diêu) khởi sự xây bàn đầu tiên tại nhà Ông Cao Hoài Sang để tiếp xúc với các vong linh nơi cõi vô hình.

(Trong công cuộc Xây bàn nầy, Ông Cư đóng vai chủ động. Tiếp theo là thời kỳ phò Ngọc cơ tại nhà Ông Cư, với Lễ Hội Yến DTC được tổ chức tại nhà Ông Cư, rồi Vọng Thiên Cầu Ðạo, cũng tại nhà Ông Cư số 134 đường Bourdais Sài Gòn, Ông Cư đều chủ động tổ chức, nên các việc xảy ra trong giai đoạn nầy, xin độc giả xem các mục: I, II, III trong Tiểu sử của Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, sẽ biết rõ các việc của 4 vị: Cư, Tắc, Sang, Diêu, khỏi phải lập lại nơi Tiểu sử của mỗi vị.)

[Xem: Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, vần Th]

Sau ngày lễ Hội Yến DTC tại nhà Ông Cư, bốn Ông phân làm hai nhóm: Ông Cư và Tắc xây bàn hay phò ngọc cơ tại nhà Ông Cư; Ông Diêu và Sang thì tại nhà Ông Sang.

Khoảng tháng 5 năm1926 (Bính Dần), Ðức Chí Tôn dạy thành lập 6 đàn cơ phổ độ, trong đó có một đàn ở Chợ Lớn, tại nhà Ông Cựu Thượng Nghị Viên Lê Văn Trung, Ngài Trung và Ngài Ðốc Phủ Lê Bá Trang thay phiên nhau chứng đàn, phò loan là hai Ông: Cao Hoài Sang và Cao Quỳnh Diêu.

Ngày mùng 6-8-Bính Dần (dl 12-9-1926), Ðức Chí Tôn giáng dạy riêng Ngài Cao Quỳnh Diêu (hiệu Mỹ Ngọc), sau đó cho Xuất Bộ Tinh Quân Cao Quỳnh Tuân, thân phụ của Ông Diêu và Cư giáng cơ dạy tiếp. Phò loan: Sang - Diêu.
 
admin Saturday, 20-08-2022, 4:40 PM | Message # 2
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
THẦY,


Mừng mấy con. Mỹ Ngọc, từ đây việc nhà con an ổn, dầu điều chi nhớ để ý rằng có Thầy bên con.

Ðặng một việc chi chớ vội mừng, thất một việc chi chớ vội buồn, vì sự buồn vui và sự buồn tủi thường pha lẫn kế cận nhau, còn sự gì phải đến cho con, ấy là tại nó phải vậy, chớ cượng cầu mà nghịch Thánh ý Thầy.

Hãy xem dò theo đây mà day trở trong bước đường Ðạo:

Mối Ðạo từ đây ráng vẹn gìn,
Tu là khổ hạnh khá đinh ninh.
Lòng thành một tấm Trời soi xét,
Gương rạng nghìn thu nguyệt chiếu minh.
Gai gốc lần đường công trước gắng,
Thảnh thơi có lúc buổi sau dành.
Vòng trần chìm nổi từ đây dứt,
Công quả tua bền độ chúng sinh.


Thầy sẽ cho Xuất Bộ Tinh Quân đến nhập cơ. THĂNG.

Tái cầu:


CAO QUỲNH TUÂN

Mừng mấy con và mấy cháu,

Diêu! Từ đây thầy lấy làm vui mà thấy con đặng để bước vào đường Thánh đạo. Vậy hãy ráng tu hạnh hầu phục hồi cựu vị.

Thầy rất vui mà thấy Cư và con đã đem tấm nhiệt thành cứu độ nhơn sanh khỏi dòng khổ hải. Ấy cũng số phần rất may mắn của lịnh Ngọc Hoàng đã định cho con và Cư, Tắc, Sang.

Vậy thầy có mấy lời thiết yếu cùng con sau đây:

Cựu vị ngày xưa đã có rồi,
Ðường về chớ bỏ há con ôi!
Công trình chớ nệ xây nền Ðạo,
Phước mỏng đâu hay bởi tứ Trời.
Ðức trước hưởng rồi tua trả đức,
Ngôi sau gìn ắt đặng an ngôi.
Từ đây son sắt vì sanh chúng,
Cảnh tịnh mai sau cũng đặng ngồi.

Thầy đã an lòng cho con và Cư, còn ÐỨC, AN, THÂN, thì có lịnh Thượng Ðế định phần cho chúng nó. LƯỢNG từ đây phải ở nơi Lôi Âm Tự mà chầu Phật Như Lai và nghe lịnh, chừng có lịnh Thượng Ðế đòi sai trấn thì nó sẽ về cùng con đặng. Thầy kiếu mấy con. THĂNG.

GHI CHÚ:

Diêu: Cao Quỳnh Diêu, tức Mỹ Ngọc.
Cư: Cao Quỳnh Cư. Tắc: Phạm Công Tắc. Sang: Cao Hoài Sang.
Ðức: Cao Quỳnh Ðức, con thứ hai của Ngài Cao Quỳnh Diêu.
An: Cao Quỳnh An, con của Ngài Cao Quỳnh Cư, mất bên Pháp.
Thân: là Huệ Chương, con của Ngài Cao Quỳnh Diêu.
Lượng: Cao Quỳnh Lượng, con của Ngài Cao Quỳnh Diêu, đã chết


Năm Ðinh Mão (1927), Ngài Cao Quỳnh Diêu thọ phong Tiếp Lễ Nhạc Quân, có phận sự sắp đặt Lễ nghi và âm nhạc trong việc cúng tế trong Ðạo.

Ðầu năm 1929, Ngài Tiếp Lễ Nhạc Quân Cao Quỳnh Diêu vâng lịnh Hội Thánh, đặt ba Bài Dâng Tam Bửu (Bài Dâng Hoa, Dâng Rượu và Dâng Trà), có dâng lên Bát Nương giáng cơ chỉnh văn lại, để thay thế ba bài Dâng Tam Bửu cũ đã dùng lúc mới mở Ðạo do Ngài Ngô Văn Chiêu đặt ra.

Năm 1929, trong lúc Ngài Cao Quỳnh Diêu còn ở phẩm Tiếp Lễ Nhạc Quân, Ngài viết quyển "NGHI TIẾT ÐẠI ÐÀN TIỂU ÐÀN" có mục đích chỉnh đốn Lễ Nhạc trong các Ðàn cúng Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thiêng liêng cho đúng qui cách tốt đẹp, đạt được sự trang nghiêm, để áp dụng thống nhứt trong Ðạo Cao Ðài, dâng lên Ðức Chí Tôn duyệt xét, rồi Ðức Phạm Hộ Pháp chuyển qua Hội Thánh. Hội Thánh xem xét đồng ý và Ðức Quyền Giáo Tông ban hành, kể từ ngày 17-6-Canh Ngọ (dl 12-7-1930), áp dụng thống nhứt cho tất cả các Thánh Thất.

Trong quyển "Nghi Tiết Ðại Ðàn Tiểu Ðàn" nầy, Ngài Tiếp Lễ Nhạc Quân Cao Quỳnh Diêu, tức Cao Mỹ Ngọc, viết Lời Tựa:
 
admin Saturday, 20-08-2022, 4:42 PM | Message # 3
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
LỄ là một việc rất trọng hệ, vì là cái hình thể của nền Ðạo phô bày ra trước mặt người.

Chư Ðạo hữu cần phải để công xem sóc nhắc nhở nhau mà gìn giữ tư cách trong mỗi khi hành lễ cho trang hoàng, hầu tỏ tấc lòng thành kỉnh của mình cùng Ðức Chí Tôn và chư Tiên Phật Thánh Thần, lại cũng là một phươngchâm về đường phổ độ.

Mỗi khi chúng ta hành lễ, thì người ngoại Ðạo sẵn ý xem vào mà phân biệt Tà Chánh một ít của nền Ðạo trong đó, vì Ðạo là việc nhiệm mầu huyền bí sâu xa, người ngoài nào thấu đặng, duy có chăm nom cách cử chỉ của chúng ta trọng kỉnh các Ðấng thế nào, thì đủ cho người vẽ ảnh Ðạo ra thế nấy mà thôi.

NHẠC cũng là một việc cần yếu, vì là phương làm cho đầm ấm tao nhã cốt để dìu dẫn giúp cho thành Lễ, ra vẻ long trọng, vì đã che lấp các việc xao động trong cơn hành lễ, trên thì hiến cái vẻ tiêu tao phù trầm cho các Ðấng, dưới là làm cho chúng ta, vì nghe đặng cái giọng tao nhã, nhặt khoan, hoặc có lúc vì tiếng nhạc trổi mà lòng ta hân hoan mà quên bẵng cái mỏi mệt trong cơn hành lễ hoặc có khoản vì cái thức phù ba của giọng đờn mà làm cho ta yên tịnh, mới có thể thiền tâm vọng cầu các Ðấng cho thấu đáo.

Có câu phương ngôn của bậc hiền triết miền Âu rằng: "La musique adoucit les moeurs", lại có nói rằng: Nếu muốn biết sự tấn hóa của một sắc dân, sau sẽ trở nên thế nào, thì duy có xem trong nét văn chương và nghe giọng nhạc của sắc dân ấy cũng đủ hiểu trước. Huống chi Ðấng Chí Tôn ra công khó nhọc khai sáng cho ta một nền Ðại Ðạo như vầy, lại dìu dẫn ta từ bước, mà ta lại chẳng để hết tâm chí chấn chỉnh nghề Nhạc cho hoàn toàn hầu gìn giữ đường tấn hóa cho nền Ðạo sao?


Tòa Thánh Tây Ninh, ngày 20-4-Kỷ Tỵ (1929)
LỄ NHẠC QUÂN Cao Mỹ Ngọc


Ðầu năm Canh Ngọ (1930), Ngài Cao Quỳnh Diêu được thăng lên phẩm Bảo Văn Pháp Quân chánh vị đặng chỉnh đốn Lễ Nhạc cho hoàn toàn, cho tới ngày Thành Ðạo.

Năm 1932, Ngài Cao Quỳnh Diêu viết bài Kinh Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu, cũng được dâng lên Bát Nương DTC chỉnh văn lại, dùng để làm Kinh Cúng Tứ Thời Ðức Phật Mẫu.

Ðầu năm Giáp Tuất (1934), nền Ðạo chinh nghiêng vì có sự chia rẽ trong nội bộ các Chức sắc lãnh đạo, để rồi sau đó, một vài Chức sắc cao cấp tách ra lập Chi phái chống lại TTTN, đứng đầu là hai Ngài Quyền Ðầu Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương) và Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang).

Ngài Bảo Văn Pháp Quân cũng bị Chi phái lôi kéo làm cho Ngài phân vân. May nhờ Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ giáng cơ khuyên nhủ, phân tách cho thấy điều hơn lẽ thiệt, làm cho Ngài thức tỉnh, quyết phụng sự Ðạo nơi TTTN.

Bài giáng cơ của Ðức Thái Thượng ngày16-7-Giáp Tuất (dl 25-8-1934) khá dài, xin trích ra một đoạn:
 
admin Saturday, 20-08-2022, 4:44 PM | Message # 4
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
"Nền Ðạo đã chia ba, theo lời Bần Ðạo đã nói, Mỹ Ngọc Hiền hữu muốn lập công nơi nào? Tòa Thánh, Trung Ương, Hậu Giang? Mỹ Ngọc bạch: Nơi Tòa Thánh.

- Tòa Thánh là gốc cội của Ðạo, nếu muốn lập công nơi đó, vì Thầy đã dạy, thì nên làm đi, cách xây đổi phương lược tùy cơ ứng biến, ấy là cơ nghiệp riêng của mỗi Ðạo hữu, Bần đạo không dám dạy, nếu chờ thì phải trễ chăng? Hiền hữu nên xét, Ðời khác Ðạo khác, những sự lỗi lầm của mình tạo khổ cho mình mà nguyên nhân vẫn cứ huyền bí, mắt thịt tâm phàm chưa dễ độ đặng, nên xét cho xa."
(TNHT. II. 96)

(Phần công nghiệp hành Ðạo của Ngài Bảo Văn Pháp Quân, xin độc giả xem nơi bài Ðiếu Văn của Ðức Cao Thượng Sanh).

Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu đăng Tiên vào ngày 4-9-Mậu Tuất (dl 16-10-1958), tại Văn Phòng Trung Tông Ðạo, trong Nội Ô Tòa Thánh, hưởng thọ 75 tuổi.

Hội Thánh tổ chức Lễ Ðạo Táng cho Ngài rất trọng thể.

Sau đây là Bài Ai Ðiếu của Ðức Thượng Sanh Cao Hoài Sang, đọc trong Lễ An Táng Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu ngày 6-9-Mậu Tuất (dl 18-10-1958):

Kính thưa quí Quan chức,

Kính thưa quí Quan khách,

Kính thưa quí Ông, quí Bà,

Thay mặt Hội Thánh HTÐ, tôi xin thành thật để lời cám ơn quí vị không nệ đường sá khó nhọc, có lòng chiếu cố đến dự lễ an tọa liên đài của Ðạo huynh chúng tôi là Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu, một vị trong Thập nhị Bảo Quân.

Kính thưa Hội Thánh và toàn Ðạo Lưỡng phái,

Trước liên đài, tôi xin nhắc lại công nghiệp của Ngài Bảo Văn Pháp Quân, đã hết lòng tận tụy sứ mạng thiêng liêng và trải qua bao nhiêu khổ cực để góp phần xây dựng nền Ðại Ðạo trong lúc ban sơ.

Hưởng thọ 75 tuổi, Ngài Bảo Văn Pháp Quân sanh trưởng tại làng Hiệp Ninh, tổng Hàm Ninh Thượng, thuộc tỉnh Tây Ninh, trong một gia đình thế phiệt Nho phong.

Cụ thân sinh Ngài có ba người con trai, mà Ngài là Anh cả, và kế Ngài là Ðức Cao Thượng Phẩm của ÐÐTKPÐ.

Ngài là một vị trong Chức sắc HTÐ mà buổi Ðạo mới khai, Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thiêng liêng đã đến dìu dắt trước nhứt để giao phó sứ mạng thiêng liêng sử dụng cơ bút đặng độ nhơn sanh nhập vào cửa Ðại Ðạo.

Ðầu năm 1926, tức là năm Bính Dần, một lượt với chư vị Chức sắc cao cấp HTÐ, Ngài đắc lịnh nâng loan, hiệp với Ðức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt, lúc đương phẩm Ðầu Sư, và các vị Ðại Thiên phong CTÐ đi phổ độ khắp các tỉnh, nhứt là các tỉnh trung ương và miền Tây Nam Việt.

Mặc dầu còn giúp việc cho một hãng tư, Ngài không nệ cực nhọc gắng làm tròn nhiệm vụ trong hai năm Bính Dần và Ðinh Mão (1926 và 1927), là hai năm mà Ðức Chí Tôn cho huyền diệu cơ bút, thâu nhập môn gần một triệu tín đồ, đem lại cho nền Ðạo một thắng lợi vẻ vang về mặt tinh thần cũng như về mặt phổ thông Chơn đạo.

Ngài thọ phong Tiếp Lễ Nhạc Quân năm Ðinh Mão (1927), qua năm Kỷ Tỵ (1929) lối tháng 10, mặc dầu hưởng lương bổng trọng hậu, Ngài phế đời về Tòa Thánh hiến thân lo Ðạo, giúp Hội Thánh sắp đặt nội bộ, nhứt là góp công trong việc nâng loan cho Ðức Chí Tôn và các Ðấng dạy truyền Ðạo lý.

Ðầu năm Canh Ngũ (1930), được đắc phẩm vị Bảo Văn Pháp Quân, Ngài cố tâm chấn chỉnh Lễ Nhạc, ra công dạy Nhạc cho ban Nhạc sĩ tại Tòa Thánh, từ điệu nghệ cầm roi trống cho tới bài bản Âm nhạc.

Ðến cuối năm Canh Ngũ (1930), Ngài rủi bị nạn hỏa tai, cả nhà cửa sự nghiệp bị thiêu hủy, nên vì sinh kế Ngài trở về Phú Nhuận (Gia Ðịnh).

Kể một thời gian qua, Ngài hiệp với mấy bạn Thập nhị Thời quân HTÐ để gầy dựng cơ quan tái lập tại Thánh Thất Từ Vân nơi Phú Nhuận, lo chú giải Tân Luật, Pháp Chánh Truyền và lập Luật điều phụ thuộc, để sau nầy giúp cho Chức sắc dễ thi hành phận sự.

Mãi đến năm Canh Dần (1950), Ngài trở về Tòa Thánh, quyết lòng cộng tác với Chức sắc cao cấp HTÐ lo làm phận sự.

Nhưng từ ấy đến sau, vì tuổi cao sức yếu, Ngài không thể đảm đương nhiệm vụ chung lo với Hội Thánh, hơn nữa Ngài đã phế cả sự nghiệp vì chủ nghĩa của Ðạo và bởi đó, Ngài chịu lắm vất vả về vật chất, xác thân càng tiều tụy hao mòn.

Vừa rồi Ngài ngọa bịnh không mấy ngày, bỗng phút vĩnh biệt cố thân, xa miền dương thế.

Hôm nay, Ngài Bảo Văn Pháp Quân đã ra người thiên cổ. Tuy đã biết nợ Ðạo rồi xong, tuồng đời chấm dứt, Ngài trả xác thân lại cho gió bụi để về với Ðức Chí Tôn Ðại Từ Phụ, và rồi đây chúng tôi có thể tiếp xúc với Ngài bằng huyền diệu cơ bút.

Nhưng trước cảnh tử biệt kẻ mất người còn, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi mến tiếc khi nhớ đến bạn đồng thuyền đã cùng chúng tôi chia sớt ấm lạnh mặn nồng và chung lưng đâu cật trót hơn mấy mươi năm để mưu cầu hạnh phúc cho nhơn loại.

Vậy nơi đây là nơi an nghỉ giấc ngàn thu, chúng tôi thành kỉnh nghiêng mình để bái biệt liên đài lần cuối cùng và xin thành tâm cầu nguyện cho Ngài được hưởng đầy ân huệ của Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu nơi cõi TLHS.

Tòa Thánh, ngày 6-9-Mậu Tuất (dl 18-10-1958)

Thay mặt Hội Thánh HTÐ
THƯỢNG SANH Cao Hoài Sang
 
admin Saturday, 20-08-2022, 5:00 PM | Message # 5
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
Nguyên căn của Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu là Liên Huê Tiên, một vị Tán Tiên mà vị Ðệ nhứt Tổ Sư là Ðông Phương Sóc, Ðệ nhị Tổ Sư là Tây Phương Sóc. Trong Truyện Phong Kiếm Xuân Thu, Liên Huê Tiên có phép thuật rất huyền diệu, khi gặp biến thì miệng nhả ra một cái bông sen để chống đỡ. Liên Huê Tiên có theo Ðông Phương Sóc xuống trần giúp Liễu Nhứt Chơn Nhơn Tôn Tẫn đánh Hải Triều Thánh nhân.

Thời TKPÐ, Liên Huê Tiên chiết chơn linh giáng trần là Ngài Cao Quỳnh Diêu làm tướng soái cho Ðức Chí Tôn mở Ðạo.

Do đó, lúc ban sơ, còn xây bàn năm1925, Liên Huê Tiên có giáng, kêu ngay Mỹ Ngọc, dặn dò:

"Mỹ Ngọc! Nghe Lão:

Hoành thượng đơn khai chí bách thiền,
Hựu tu chưởng hiệp khởi tranh liên.
Mật đài khánh nhựt khinh hành định,
Cửu tái quang minh đắc cộng niên.

Mật sự khá kiếm hiểu."

LIÊN HUÊ TIÊN
 
admin Wednesday, 24-08-2022, 1:21 PM | Message # 6
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
Thuở sanh tiền, Ngài Bảo Văn Pháp Quân là một thi sĩ có tiếng trên thi đàn. Sau đây xin trích tượng trưng vài bài thi của Ngài:

NGỤ ÐỜI


Tuồng đời mộng ảo có chi mong,
Giành giựt càng thêm lấm bụi hồng.
Phú quí dường mây treo trước gió,
Lợi danh như bọt nổi trên dòng.
Gặp cơn nước đổ giông tuông đến,
Là buổi mây tan, bọt há còn?
Nào bẵng lánh mình xa bến tục,
Lần theo Chơn đạo bước thong dong.

TRÒ ÐỜI

Dừng chơn toan hỏi thử trò đời,
Ngảnh lại tuổi đầu đã sáu mươi.
Thấy nẻo công danh thêm chán ngán,
Dòm gương phú quí bắt buồn cười.
Ðai cân mượn vẻ như con hát,
Chung đỉnh bày trò ấy chuyện chơi.
Sao bẵng đưa chơn theo hạc nội,
Ven mây lần bước đến thang Trời.

CAO LIÊN TỬ

Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao quỳnh Diêu giáng cơ:

Ðêm 12-9-Mậu Tuất (dl 24-10-1958), tức là sau khi Ngài Diêu mất được 8 ngày, Ngài giáng cơ tại Trung Tông Ðạo, Phò loan: Huệ Chương và Nữ Giáo Hữu Hương Cường.
 
admin Wednesday, 24-08-2022, 3:07 PM | Message # 7
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
BẢO VĂN PHÁP QUÂN CAO QUỲNH DIÊU


Chào tất cả mấy em Nam Nữ và mấy con,

Bần đạo có mấy lời nầy để mấy em và mấy con được hiểu: Bần đạo rất mừng được mấy em và mấy con lo lắng cho Bần đạo. Vậy Bần đạo hết lòng cảm tạ.

Bần đạo được Ðức Phật Mẫu ban ân, nên được nhẹ nhàng lo phổ độ vô vi nơi miền Á Ðông cùng mấy bạn tiền bối.

Mấy em và mấy con nên vui để lo phận sự tiếp tục. Bần đạo được đặc ân mới được về sớm để tạo nghiệp thiêng liêng, công quả như thế để kịp buổi Long Hoa Ðại Hội.

Bà Ngoại con Vân, rán lo phục dược ân cần, chớ nên âu sầu theo thường tình. Bần đạo mất cũng như còn, chớ đâu phải biệt tích mà buồn. Nên tự giải mới là hiểu Ðạo đó, có Bần đạo trợ giúp luôn về vô hình. Hiện giờ Bần đạo thơ thới, chớ không phải khổ nhọc như hồi sanh tiền. Nên vui mừng cho Bần đạo đã thoát khổ.

Có Phối sư Thái Hào Thanh ở nhà không?

Bạch: Ông Phối Sư Hào đã vào nghỉ tại Nội Chánh.

Nói lại, Bần đạo rất cám ơn về sự hết lòng với Bần đạo buổi chung qui, và xin cảm tạ ơn Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng Nam Nữ và Phước Thiện, toàn thể Trung Tông, tất cả Giáo Viên Ðạo Ðức Học Ðường và toàn đạo.

Sự dĩ định của Thiên Thơ đúng theo với thời cơ xây chuyển. Kiếm Thánh giáo cũ xem lại thì thấy rõ. Mấy em và mấy con cần cấp lo bồi đắp công quả thiêng liêng cho kịp buổi, đừng để mất thì giờ, vì cơ mầu nhiệm mắc lắm đó, khó đoán được. THĂNG.

Ðàn cơ đêm 26-11-Mậu Tuất (dl 5-1-1959) tại Giáo Tông Ðường, Phò loan: Thượng Sanh - Tiếp Pháp. (8 giờ 30)
 
admin Wednesday, 24-08-2022, 3:25 PM | Message # 8
Lieutenant general
Nhóm: Administrators
Bài viết: 756
Danh tiếng: 0
BẢO VĂN PHÁP QUÂN CAO QUỲNH DIÊU


Chào hai em Thượng Sanh và Tiếp Pháp, và mấy em.

Cười....

Tiếp Pháp! Bây giờ Bần đạo hết rệu rồi nghe không! Nhớ lại buổi trước còn nằm dầm tại Trung Tông thì chán quá! Ði ở cũng là sự thường. Ði rồi ngảnh lại thương mấy bạn còn ở phải chịu bao nhiêu nhọc nhằn tâm trí, nhưng đó là nhiệm vụ của mỗi bạn do Ðức Chí Tôn sắp đặt.

Bần đạo nhờ từ tâm của Phật Mẫu và Cửu vị Phật Nương DTC nên cũng đặng phần ân huệ thiêng liêng.

Hiện giờ, Bần đạo hiệp với mấy bạn của chúng ta nơi thiêng liêng tiếp tục làm công quả về mặt phổ độ Á Châu.

Bần đạo có lời hiến chư quí bạn:
Ðau khổ ném xong cái gánh trần,
Nhẹ nhàng mới toại chí thanh vân.
Ðường mây vừa thoát tầm sông lệ,
Cánh hạc vui qua tận đảnh thần.
Công lớn chưa ghi trang sử đạo,
Nghiệp hồng còn tiếp dựng nền nhân.
Giựt mình hối tiếc bao tâm sự,
Nhắn bạn trường tu gắng vẹn phần.

Thượng Sanh cùng cả thảy mấy bạn, Bần đạo xin để lời cám ơn, thôi xin kiếu. THĂNG.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
DTC: Diêu Trì Cung.
TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.
TKPÐ: Tam Kỳ Phổ Ðộ.


 
Trang Cao Đài » Cao Đài Tự Điển » Vần B » Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu (1884-1958)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: