[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Archive - read only
Trang Cao Đài » Đạo Cao Đài » Tủ sách » CON ĐƯỜNG THỨ BA ÐẠI ÐẠO
CON ĐƯỜNG THỨ BA ÐẠI ÐẠO
trongtp Saturday, 04-01-2014, 3:42 PM | Message # 1
Colonel
Nhóm: Postor
Bài viết: 164
Danh tiếng: 0
    Năm 1947 Đức Hộ Pháp cho phổ biến những chỉ dẫn cụ thể về cách sống của người tu luyện với lời giới thiệu :
      "Phương luyện kỷ đặng vào con đường thứ ba Đại Đạo "
    Đã gọi là con đường thứ ba tất nhiên phải có con đường thứ nhứt và thứ hai. Vậy con đường thứ nhứt và thứ hai là con đường nào ?

    Đạo Cao Đài được chính thức khai mở vào năm Bính Dần ( 1926 ) với những thủ tục thông thường của một đoàn thể xã hội như :

      · Tuyên ngôn Khai Đạo ( 7-10-Bính Dần. 1926 ) · Lễ ra mắt gọi là Lễ Khai Đạo ( 15-10-BD. 1926 ) · Ban hành Bản Hiến Pháp thiêng liêng của Đạo gọi là Pháp Chánh Truyền và bộ luật của tôn giáo mới gọi là Tân Luật. Đó là những yếu tố cần thiết phải có để thành hình Hội Thánh là cơ quan quyền lực tổ chức và điều hành sinh hoạt tín ngưỡng của khối tín đồ Cao Đài theo triết lý đã chọn. Tín đồ phải có tín ngưỡng Trời Phật, hiểu biết luật nhân quả luân hồi, ăn ở hiền lành, lập công bồi đức, tu tâm sửa tánh và tùy theo công nghiệp phụng sự vạn linh, đức hạnh, tài năng có được nhiều hay ít sẽ được thăng phẩm từ tín đồ lên đến Giáo Tông.
    Đó là con đường lập quyền Đạo để nương nhờ quyền hành ấy mà làm phương tiện phổ độ chúng sanh. Các phẩm tước hữu hình trong Hội Thánh chỉ là những nghi thức đối phẩm với các Đấng thiêng liêng trong thế giới vô hình, nó đòi hỏi người thọ nhận phải làm tròn thiên chức của mình, khi chết linh hồn mới xứng đáng được gọi là Thần, Thánh, Tiên, Phật. Chẳng hạn phẩm Giáo Sư, Pháp Chánh Truyền buộc phải lo lắng cho tín đồ như anh ruột lo cho em. Ôi ! Được bao nhiêu người có tâm đức ấy, chẳng trách nào Đức Chí Tôn định chỉ có 72 Giáo Sư hành quyền trên toàn thế giới. Hay là phẩm Giám Đạo của Hiệp Thiên Đài đòi hỏi người chức sắc phải có đủ quyền năng tâm linh để tự mình hay biết những vụ vi phạm luật pháp Đạo đã hay đang xảy ra ở một nơi nào đó mà về phương diện hữu hình chưa lộ tông tích, mới đúng nghĩa Giám Đạo, đúng với câu trong Pháp Chánh Truyền : " chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Đài chẳng biết ".

    Vì vậy phẩm tước hữu hình chỉ là giả tạm và trạng thái sống thực của Chơn Thần có tinh tấn hay không mới là yếu tố quyết định giá trị của hai tiếng đối phẩm. Con đường đó là Cửu Trùng Đài, con đường thứ nhứt của Đại Đạo lấy quyền hành, phẩm tước hữu hình làm phương tiện hành đạo. Phẩm tước ấy phải do công nghiệp hành đạo và đức hạnh mới có được, khi chết chơn thần rời khỏi xác thân trở về cùng Đức Chí Tôn. Con đường thứ nhứt nầy bao gồm cả những chức sắc cấp dưới của Hiệp Thiên Đài mà sở hành của họ cũng lấy quyền Đạo làm phương tiện lập công.

    Con đường thứ hai là Phước Thiện với Thập Nhị đẳng cấp thiêng liêng cũng có phẩm tước hữu hình để đối chiếu với Thiêng Liêng từ Minh Đức đến Phật Tử.

    Sở hành của họ chú ý nhiều đến việc lập đức, tạo ra nhiều của cải, vật chất để tế khó trợ nghèo, yểm trợ đời sống hữu hình cho chức sắc hành đạo bất kỳ ở cơ quan nào, nuôi nấng bênh vực trẻ mồ côi, người già cả, tật nguyền. Cũng phải đợi đến khi chết Chơn Thần mới rời khỏi thân xác trở về cùng Đức Chí Tôn.

    Con đường thứ ba Đại Đạo là Tu Chơn tức là con đường tịnh luyện, thiền định chú ý tới sự rèn luyện năng lực sống trong nội thân mình theo tiến trình Tinh hóa Khí, Khí hóa Thần, Thần huờn Hư, đến chỗ Chơn Thần có đủ khả năng rời khỏi xác phàm trước khi chết trở về cùng Đức Chí Tôn được. Đây là con đường đi tắt trong kiếp sanh, dĩ nhiên Chơn Thần xuất ngoại xác thân được thì phải trở về được và sống trọn kiếp người của mình theo đúng Thiên ý. Có rất nhiều người lầm lạc vì ảo tưởng, ảo giác trong loại sinh hoạt nầy.

    Nếu như ở con đường thứ nhứt và thứ hai, người ta có thể lầm lạc chạy theo danh, lợi, quyền trong tôn giáo, cũng là ảo ảnh của cuộc đời, nhầm lẫn phương tiện với cứu cánh, làm biến tướng nền Chơn Giáo thành Tả Đạo Bàn Môn, thì ở con đường thứ ba nầy nhầm lẫn chính là ảo tưởng và ảo giác rất tinh vi.

    Trong phép thông công của con người với thế giới Thần linh cũng có vô vàn những điều đáng tiếc như vậy đã xảy ra và hậu quả của nó đối với đời sống tín ngưỡng của một số đông người cũng rất đáng thương tâm.

    Như vậy có phải con đường thứ ba Đại Đạo là phần tiếp nối của con đường thứ nhứt hoặc thứ hai trong tiến trình tu tập của người tín đồ hay không ? Đức Hộ Pháp chủ trương tín đồ phải có đủ Tam Lập mới bước vào sinh hoạt tịnh luyện, không buộc phải qua một thời gian hành đạo có áo mão, hay quyền hành, chức tước. Một đàng sống với đức tin vào nguyên tắc đối phẩm, lấy sự thể hữu hình làm chuẩn với lý trí thông thường, đợi đến khi chết chơn thần sẽ xuất ngoại xác thân trở về cùng Thượng Đế, cũng chẳng vội, ung dung lập công bồi đức và thăng tiến theo phẩm trật hữu hình. Một đàng tìm phương rốt ráo, phải về diện kiến Đức Chí Tôn ít nhứt một lần trong khi còn sống thì phương pháp tu hành mới gọi là chứng đắc được.

    Yếu lý khác biệt của nó nằm ở chỗ Chơn Thần về được cùng Đức Chí Tôn trước khi chết hay sau khi chết. Còn điều kiện định quyết cho Chơn Thần về được hay không là ở chỗ công đức, chớ không phải ở phương pháp tu luyện điều khí, dưỡng thần, truyền thần, xuất thần, tham thiền, nhập định. Phương pháp tu luyện là kiến thức có thể truyền lại cho nhau dễ dàng giữa người nầy và người kia nhưng công đức mỗi cá nhân tự tạo mới có. Phải có đủ công đức nghĩa là tròn tam lập, áp dụng phương pháp tu luyện mới có kết quả gọi là ấn chứng chánh truyền, bằng không rất dễ rơi vào ảo tưởng làm cho Thần biến ra đủ thứ khi công phu thiền định.

    Một người thiếu công đức là người mà khí thể còn ô trược, lấy trược khí nuôi Thần, thì Thần phải tối, tức nhiên đời sống tâm linh còn trộn lẫn nhiều hình ảnh tư duy ảo vọng. Thần phóng ra ảo rồi nhắm lấy ảo ấy mà đeo đuổi thì quả thật là " đổi chơn thay giả tô Thiên vị ". Chỗ nhằm lẫn nầy hết sức tế vi, khó thấy và chẳng dễ gì xua đuổi nó ra khỏi tâm tư của con người khi mà các trung khu não bộ hãy còn phủ trùm bằng một vùng trược khí.

    Nói vắn tắt cho dễ hiểu, nếu như kiến thức về phương pháp công phu làm cho người ta đắc đạo được thì những kẻ gian hùng nhứt ở thế gian sẽ ngự trị ở cõi Thiên Đàng.

    Vì sao ? Vì những kẻ gian hùng ở thế gian nầy, thứ gì họ cũng ăn cướp được, nói chi đến bí quyết luyện đạo của thầy tu là điều mà kẻ có lòng từ tâm luôn luôn muốn có nhiều người hưởng ứng.

    Kinh điển hay là phương pháp tu luyện cũng như đũa với chén để ăn cơm, phải có cơm vào dạ dày mới no được, công đức của mình mới là thứ cơm tinh thần vậy, phải có cơm thì chén đũa mới hữu dụng.

    Đức Chí Tôn dạy :

      _" Người ở thế nầy muốn giàu phải kiếm phương thế làm ra của cải. Ấy là phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc Đạo phải có công quả". ( TNHT. 5-7-1926 ) _ " Đạo vẫn như nhiên do công đức mà đặng đắc Đạo cùng chẳng đặng". ( TNHT. 21-8-1926 )

      _" Thầy nói cho các con biết nếu công quả chưa đủ, nhân sự chưa xong thì không thể nào các con luyện thành đặng đâu mà mong. Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều là phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy thì tìm cách khác mà làm âm chất thì cái công phu tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối cao ". ( TNHT. 5-3-1927 )

    Dầu đi con đường nào cũng vậy, thứ nhứt, thứ hai, thứ ba cũng phải có công đức mới đặng đắc Đạo. Con đường thứ ba Đại Đạo nếu thành công về với Đức Chí Tôn sớm hơn một chút chẳng phải đợi đến khi chết như con đường thứ nhứt và con đường thứ hai.

    Mối tương quan giữa ba con đường là như thế chẳng nên hiểu lầm rằng nếu không tịnh luyện thì không đắc Đạo. 

 
trongtp Saturday, 04-01-2014, 3:47 PM | Message # 2
Colonel
Nhóm: Postor
Bài viết: 164
Danh tiếng: 0
http://www.daotam.info/booksv/nltqnvtctddtkpd.htm#qntctddtkpd2
 
Trang Cao Đài » Đạo Cao Đài » Tủ sách » CON ĐƯỜNG THỨ BA ÐẠI ÐẠO
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: